tình cờ nhìn thấy, trong email bạn pv. không nhớ ngày xưa báo nào đăng nữa.
Cà phê thị giác ở Sài Gòn.
Nói về quán cà phê nghệ thuật, người ta thường hình dung đó là một quán cà phê, có treo vài bức tranh phong cảnh hay trừu tượng, thậm chí, treo cả thư pháp. Chuyện quán cà phê treo tranh trên thế giới cũng là chuyện bình thường. Ở Việt Nam, có lẽ, được nhắc đến nhiều nhất là café Lâm ở Hà Nội, nơi lưu lại nhiều bút tích của bậc thầy tranh phố Bùi Xuân Phái. Nhưng đó cũng chỉ là những quán cà phê có treo tranh nghệ thuật.
Ở Sài Gòn, chuyện nghệ sĩ mở quán ăn, cà phê cũng không hiếm. Thoảng vẫn có một vài nơi do nghệ sĩ hùn vốn mở ra, có trưng bày một vài tác phẩm của chủ nhân. Nhưng, cũng chỉ ngừng lại đó, bởi tính chất cố định luôn mang một chút nhàm chán, nhất là trong nghệ thuật thị giác. Khoảng từ năm 2004, ở Việt Nam cụm từ visual art (nghệ thuật thị giác) bắt đầu được nhắc đến nhiều, bao hàm các loại hình nghệ thuật mới như performance (trình diễn), installation (sắp đặt), video art… lẫn với những loại hình mang tính chất hàn lâm như điêu khắc, hội họa…
Đầu năm 2006 trên báo chí bắt đầu thường xuyên xuất hiện những thông tin triển lãm từ một quán cà phê có tên gọi là “Himiko visual café”, mà người gầy dựng nó, nghệ sĩ thị giác Himiko Nguyễn cũng xuất thân từ lò, trường Mỹ Thuật thành phố Hố Chí Minh. Sau đó mấy tháng cũng xuất hiện thêm quán cà phê tận dụng không gian phòng tranh ở Mai gallery, và một năm sau, thêm quán cà phê nghệ thuật thị giác Titan xuất hiện, mà chủ nhân của nó cũng xuất thân từ trường Mỹ Thuật Huế.
Trào lưu hay tâm huyết? Và sự đón nhận?
Theo lời của chủ nhân Himiko visual café, chị không biết gì về những quán cà phê nghệ thuật trên thế giới. Ý tưởng mở Himiko visual café của chị xuất phát từ việc muốn đưa tác phẩm của mình và bạn bè đến gần với mọi người hơn nữa, khi mà, việc bước vào gallery cũng như bảo tàng hãy còn là một việc hiếm hoi của số đông bạn trẻ, Và cà phê cũng gần như là một nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn, nơi mà tập trung đầy đủ tất cả các thể loại quán cà phê, từ bình dân đến sang trọng với đa dạng kiểu cách. Bản thân chị cũng không đủ lực để mở một không gian như thế nếu không nhận được sự ủng hộ và
giúp đỡ của những người chị, người bạn. Và, mỗi người một cách giúp đỡ, từ không gian, đến bàn ghế, đến mọi chi tiết trang trí trong quán, đều có sự góp sức của vài họa sĩ bạn bè. Từ đó, Himiko ra đời với một sự phá cách không thể trộn lẫn vào đâu. Như những cái ghế thô mộc được làm từ pa-ghếch (?), loại gỗ tạp dùng để đóng kiện chở hàng, cũng được design lại thành một style rất riêng của Himiko, khiến nhiều người thích thú. Và một kiến trúc sư người Nhật đã đặt mua ngay một bộ để mang về Nhật copy. Và tranh tượng, những cuộc triển lãm Mỹ Thuật cũng là một nét làm nên sự độc đáo riêng biệt ở Himiko, với sự thay đổi thường xuyên về không gian, màu sắc. Rất nhiều bạn trẻ ban đầu đến với
Himiko vì sự tò mò, sau đó quay trở lại vì sự thích thú cũng như bỡ ngỡ vì những sắp đặt không gian thường xuyên hoán đổi. Khi thì là một bức tường rêu phong ngoài phố, khi thì là những bức ảnh khỏa thân màu đỏ, khi lại là một sắp đặt nghệ thuật dưới sàn, trên trần… xen lẫn vào tiếng nhạc jazz, blue nhè nhẹ. Dần dần, những cái-ngỡ-như-là-lạ ấy quen dần với mọi người, và, không gian nghệ thuật được sắp đặt bởi Himiko đã trở nên gần gũi và là hòa quyện với mô hình cà phê thành một thương hiệu cà phê art đầu tiên được biết đến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không dừng ở đó,
Himiko còn lọt vào topten những cuộc bình chọn những quán cà phê lạ, mang phong cách độc đáo nhất Sài Gòn trên những diễn đàn cà phê. Có vẻ như, người nghệ sĩ ấy đã thành công khi đưa nghệ thuật hòa hợp vào một thói quen đại chúng của dân Sài Gòn. Mà không những thế, Himiko còn trở thành một trong vài không gian nghệ thuật uy tín và thường xuyên được giới thiệu cho những curator, nghệ sĩ hay những phóng viên nước ngoài quan tâm đến những hoạt động Mỹ Thuật ở Sài Gòn. nhưng quả thực, không phải cứ nghệ thuật vào là sẽ thành một thương hiệu. Quán cà phê tranh ở gallery Mai hầu như không được biết đến, và chừng nửa năm sau khi mở ra, đã chuyển sang thành một kiểu cà phê phòng trà hát nhạc sống . Titan visual art café thì là một cuộc chơi đơn lẻ của người họa sĩ chủ nhân, cũng bắt theo cái mô típ vật liệu rẻ tiền nhưng độc đáo ở Himiko, Titan cũng sử dụng pa- ghếch làm vật liệu chính để làm bàn ghế. Nơi đó, thời gian đầu, chỉ treo chính tranh của họa sĩ, cũng tạo thành một quán cà
phê nhỏ nhỏ xinh xinh. Và sau khi tham gia một hai cuộc chơi nghệ thuật, sau một năm, Titan cũng mất bóng. Có vẻ như là anh họa sĩ đã quá mỏi mệt với việc cân bằng một không gian đòi hỏi phải đổ hết lực, dốc hết sức, một việc làm vô cùng cản trở đến việc sáng tác cá nhân và đam mê rong ruổi đã ngấm vào máu những người nghệ sĩ.
Tồn tại hay biến mất.
Giờ thì chỉ còn mình Himiko đơn độc trong loại hình này. Từng tưởng như sẽ biến mất khi mà vừa trở về sau 3 tháng tham gia trại sáng tác ở Hàn Quốc năm 2007, chị Himiko Nguyễn đã dọn Himiko trong vòng 1 tuần và tạm ngưng trong sự ngỡ ngàng của những người khách quen. Có lúc, chị ngao ngán muốn rời bỏ, vì vừa tạo dựng được một không gian, thì lại gần như bắt đầu lại từ đầu khi đi tìm một chỗ mới. Tự tin với mô hình này, nhưng không đủ lực để một mình duy trì nuôi dưỡng nó. Vận động người thân góp sức thì nhận lấy những cái lắc đầu, vì với suy nghĩ, thành công phải đi liền với tiền bạc, mà nghệ thuật thì khó đi đôi cùng. Từ khi dời qua địa điểm mới, lịch hoạt động nghệ thuật ở Himiko kín đều mỗi tháng, nhưng không ai biết đằng sau gương mặt cười là cảm giác méo xệch của chị vì không biết sẽ kéo dài được Himiko đến bao giờ.
Nghệ thuật cũng cần sự kết hợp
Tự nhận mình không giỏi về kinh doanh, không thể quản lí nổi những con số chi li tính toán, cũng như, không đủ sức để gồng Himiko khi chi phí cà phê chỉ vừa đủ trang trải những chi phí cơ bản chứ chưa thể gánh nổi tiền nhà. Đằng sau cái tiếng thành công của Himiko là một lung lay vô hình không ai nhìn thấy. Dù chủ nhân của nó cũng xoay sở khá nhiều cách, kiêm luôn cả nhân viên, nhận cả vai trò đầu bếp nấu ăn cho nhóm nghệ sĩ nước ngoài muốn tổ chức party tại quán. Mong muốn của chị hiện tại là tìm được người hợp tác về mảng tài chính và quản lí, để chị có thể chuyên tâm vào mảng nghệ thuật, và sáng tác. Đó là sự kết hợp cần thiết để có thể đứng vững và trở nên lớn rộng hơn.
Có thể nói, Himiko visual café được nhắc đến như quán cà phê thị giác đầu tiên ở Sài Gòn, với đúng tính chất của cụm từ đó. Sau ba năm ra đời, nơi đây đã diễn ra khá nhiều triển lãm giới thiệu những gương mặt trẻ, nhiều buổi giao lưu trò chuyện trao đổi với các nghệ sĩ trong nước lẫn quốc tế. Góp phần làm sôi nổi khung cảnh nghệ thuật vốn khá êm ả ở Sài Gòn. Góp mặt khá nhiều vào các chuyên mục nghệ thuật của các tờ báo uy tín, đài truyền hình trogn mỗi cuộc triển lãm. Đúng như cái tên mang ý nghĩa “Đứa trẻ nhìn thấy lửa”, Himiko đã nhen lên một ngọn lửa về lòng yêu nghệ thuật. Mong lắm thay ngọn lửa này đừng tắt, và mô hình cà phê thị giác đừng là một lần nhen lên rồi và tắt ngúm trong thành phố sôi động này.
Vy Thụy.