Friday, 16 January 2009

“Nhảy” từ Ailen sang Việt Nam

“Nhảy” từ Ailen sang Việt Nam

Ciarna Hackett là cử nhân Mỹ Thuật ở Ailen năm 2004, sang VN tháng 1 năm 2005, ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Bản năng ra nội tại” tại Himiko visual café vào tháng 8 cùng năm đó. Là điều phối viên nhạc họa và là một trong những nhà tổ chức triển lãm tranh sơn dầu của trẻ em đường phố từ Hiệp hội bảo trợ trẻ em Christina Noble tại Ireland năm 2005, triển lãm tranh sơn mài của trẻ em CNCF tại London năm 2007, tại Himiko visual saloon và tại London năm 2008. Và cô chính thức thành con dâu Việt Nam tháng 6 năm 2007.

Phạm Văn Đức tốt nghiệp khoa sơn mài trường Đại học Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh, là giảng viên khoa Mỹ Thuật trường Đại học Kiến Trúc, và là giáo viên hội họa cho Hiệp hội bảo trợ trẻ em Christina Noble (CNCF) từ năm 2001 đến nay. Anh cũng là người đồng hành cùng Ciarna trong các cuộc tổ chức triển lãm tranh cho trẻ em đường phố.

Lần đầu tiên, hai người cùng song hành nhau với nhau trong sáng tác với cuộc triển lãm sắp đặt nhiếp ảnh “Nhảy 1000” sẽ diễn ra tại Himiko visual café, 324Bis Điện Biên Phủ, Q.10, TP/HCM, khai mạc vào lúc 18h, ngày 16.01 (kéo dài đến 30.01.2009).

“Nhảy 1000” của hai người đã được bắt đầu như thế nào nhỉ?

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, chúng tôi thấy nhiều nghệ sĩ làm nghệ thuật có vẻ nặng nhọc và nghiêm trọng quá, cứ mong chờ ý tưởng lớn. Trong khi chúng tôi chỉ thấy hình ảnh, phong cảnh nào đẹp thì sung sướng, không biết diễn tả thế nào, chỉ biết cách nhảy lên. Rồi những bức hình đó có vẻ như bắt được những khoảnh khắc tuyệt vời, và đã thể hiện rõ nét được cảm xúc của mình. Chúng tôi coi như đó là tác phẩm nghệ thuật vì đã truyền tải những cảm xúc, những tư thế và những phong cảnh đẹp. Và khi gặp gỡ bạn bè, chúng tôi mời cùng làm thì họ cũng thích thú và hồ hởi tham gia, thậm chí là cả nhiều người xa lạ.

Khi chúng tôi mời họ nhảy để chụp hình thì có người biết và đồng ý, có người không biết chúng tôi định làm gì, phải thuyết phục mãi họ mới chịu. Thoạt nhìn bên ngoài họ rất khép kín, nhưng khi họ nhảy, gương mặt giãn nở ra rất vui sướng, dù ở đủ mọi lứa tuổi, từ 6 đến 60 tuổi, dù già trẻ trai gái. Và chúng tôi đã ghi lại được khoảng 1000 tấm hình.

Những hình ảnh nhảy không hiếm gặp trong các blog của các bạn trẻ, một cảm giác rất gần với loạt ảnh trong chiến dịch quảng cáo của một hãng sữa. Đây có phải là một dạng nghệ thuật tiếp diễn không (kiểu như Freehugs, một người khởi xướng và nhiều người cùng tham gia)? Anh chị không ngại khi có người nói về sự trùng lắp và lặp lại?

Những nghệ sỹ là những cá thể sáng tạo. Những phương tiện truyền thông khổng lồ hiện nay, dù muốn hay không chúng cũng ảnh hưởng đến chúng ta. Và những tác phẩm nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng, khi mà mỗi ngày trong cuộc sống nghệ sỹ luôn bị bao vây bởi một dòng chảy vô tận của báo chí, truyền hình, internet và quảng cáo. Dù sao thì nghệ sỹ cũng nên coi việc ảnh hưởng này cũng quan trọng, chứ không phải phớt lờ chúng, bởi vì là một cá nhân sống trong xã hội đương nhiên sẽ chịu ảnh hưởng của xã hội, nên một ý tưởng nguyên gốc sẽ rất hiếm ngày nay. Với triển lãm này, chúng tôi không muốn thể hiện một quan niệm lớn hay một ý tưởng nguyên gốc, mà chúng tôi muốn có niềm vui trong sự sáng tạo trong mỗi ngày, chia sẻ với mọi người và bạn bè, để nhìn vào môi trường của chúng ta và nắm bắt những khoảnh khắc.

Có rất nhiều phong cách khác nhau của nhiếp ảnh, các phương tiện, báo chí thế giới, thời trang, bưu thiếp, hội họa… Nhiếp ảnh là một trong những hình thức nghệ thuật mà mỗi ngày đều có những day dứt trong việc hình thành phong cách cá nhân; và những nhiếp ảnh gia nghệ thuật bằng công cụ của mình đã tạo ra những hình ảnh với một phong cách nào đó. Những nghệ sỹ như Nan Goldin, Bill Viola, David LaChapelle…đã có những phong cách hiện đại trong lĩnh vực này. Nan Goldin đã có tiếng tạo ra một góc nhìn của “cô gái heroin” ảnh hưởng tới làng quảng cáo và nhiếp ảnh thời trang những năm 90. Cô đã tập trung vào những chân dung của những cô gái gầy còm, xanh xao, phản ánh tác động của ma túy trong xã hội và công nghệ thời trang những năm 90. Thực tế đó là những hình ảnh thường ngày của bạn bè cô với phong cách sống Mỹ của những năm 90 với ma túy, tình dục, đồng tính, AIDS và những vấn đề khác. Tất cả đều được thể hiện trong những tấm hình của cô và được nhiều người hưởng ứng lúc đó cho những ý tưởng mớn này, và do đó nó ảnh hưởng công nghệ thời trang cùng thời.

Dĩ nhiên là một nghệ sỹ sẽ không tránh khỏi những cái nhìn này, chỉ trừ khi anh sống ẩn dật trên núi, không có một phương tiện nào. Nghệ thuật và các phương tiện do đó có những ảnh hưởng qua lại

Chúng tôi có bắt chước những hình ảnh từ Yomost không? Chắc chắn là không, vì chúng tôi không tạo ra phong cách đó, và cũng chưa thấy quảng cáo đó. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã thấy trên Google tới 53.000 hình ảnh của “Nhảy”, cho nên ý tưởng “Nhảy” không phải là nguyên gốc. Nhưng triển lãm của chúng tôi lại mang phong cách cá nhân rõ rệt từ ý tưởng này.

Hiện tình hình kinh tế đang đi ngược chiều với "nhảy", anh chị vẫn còn đủ sức để nhảy sao? Liệu có thờ ơ với thực tế và "vị nghệ thuật" quá không?

Tình hình kinh tế ảnh hưởng đến mọi người, với cả chúng tôi. Như vậy không có nghĩa là một ngày mưa tầm tã thì bạn không thể nở một nụ cười. Nơi chúng tôi làm việc, những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng không phải vì thế mà chúng không biết cười, biết thế nào là hạnh phúc trên thế giới này. Làm một người lớn đã kìm hãm chúng ta với những niềm vui trẻ thơ, hoặc quá bận rộn lo âu cho những gì người khác nghĩ về mình. Nếu chúng ta cứ chìm đắm trong lo lắng thì chúng ta không thể lạc quan tiến tới trước, và thế giới này sẽ mang cái vẻ sầu muộn đó. Không, thế giới này còn nhiếu điều đẹp đẽ lắm. Triển lãm này như một hình thức tạm thời để chúng tôi thoát khỏi những lo lắng đó, như nghệ thuật nói chung đối với các nghệ sỹ về khía cạnh nào đó là một trong những phương tiện giải thoát, và chia sẻ niềm vui sáng tạo với mọi người. Mặt khác, chúng tôi cũng chẳng có tiền trong ngân hàng để mà phải lo lắng cho những lợi nhuận, đầu tư trồi sụt…

Một ví dụ, khi gửi tác phẩm của mấy đứa trẻ em đường phố qua Ailen qua triển lãm, thì bà chủ phòng tranh nói là triển lãm rất thành công, có vẻ như trẻ em rất yêu thích tham gia nghệ thuật với tâm hồn hồn nhiên thuần khiết. Bả quản lý phòng tranh bao nhiêu năm thì thấy những tác phẩm nghệ thuật nhiều, toàn thấy những gương mặt trầm ngâm, những cái nhíu mày, nhìn ngắm những bức tranh mang toàn tính chất hàn lâm nghiêm túc. Nên khi nhìn thấy những tác phẩm đó của các em, bả cảm thấy tâm hồn thư thái nhẹ nhàng. Đồng cảm với suy nghĩ này, cảm thấy hành trình sáng tác nghệ thuật thật nặng nề, mệt mỏi và căng thẳng, nên chúng tôi muốn “giải lao”, tạm thời gác nghệ thuật “chính thống” qua một bên …

Dù anh chị gọi là bước giải lao, nhưng dù sao cũng là một cuộc triển lãm ra mắt khá quy mô, có sự đầu tư công sức. Vậy có sự khác biệt nhiều không giữa hành trình nghệ thuật và quãng nghỉ này?

Với triển lãm này, chúng tôi cảm thấy làm nghệ thuật một cách thoải mái, nhẹ nhàng, là cơ hội để mang sự sáng tạo, là một bước nghỉ, 1 giai đoạn giải lao trong quá trình nghệ thuật và tất cả bạn bè, mọi người xung quanh đểu có thể tham dự vào. Và đây không phải là quá trình đơn độc của một hay gói gọn vào một nhóm họa sĩ như khi sáng tác tranh, mà có những người bình thường vẫn có thể tham gia vào tac phẩm. Khi cầm máy ảnh, khi họ cũng cảm thấy vui sướng khi nhìn ngắm ngay lập tức bức ảnh của mình.

Nói là vui thú và thoải mái không có nghĩa là chụp tùm lum và không lựa chọn. Chúng tôi vẫn chọn lọc những cảnh tiêu biểu và có đặc điểm của Việt Nam hoặc ở Ailen. Cảnh thiên nhiên rất đẹp hoặc đôi khi có những cảnh thể hiện tính chất đô thị của thành phố đó như bô rác hay những công trình đô thị…

Vì là để bắt khoảnh khắc nghê thuật đó nên khi rửa ra chúng tôi vẫn đã giữ nguyên màu sắc, bố cục, không cắt cúp, ko can thiệp kỹ thuật.

Có sự liên kết nào được ẩn dụ bên trong nữa không?

Là sự giao lưu văn hóa, nhảy từ bên Ailen sang Việt Nam. Ví dụ như người Ailen không có sự e thẹn mắc cỡ, chỉ đề nghi một câu thì nhảy ngay. Còn ở Việt Nam, chúng tôi phải mời ba, bốn lần thì người ta mới dám nhảy. Nhưng ngay cả những người không đồng ý vẫn mở miệng cười vui khi nhìn ngắm. Đi vô ngõ hẻm chụp hình, ở quận 5, 6, nơi chưa quen với những điên rồ như khu phố tây Phạm Ngũ lão, nhưng người dân cũng vui thú và tò mò. Tiềng cười đi theo chúng tôi trong suốt quá trình chụp loạt hình này. Ngay cả những cái nhà kho bình thường không thể vào, nhưng sau khi xem chúng tôi làm việc bên ngoài với sự vui vẻ vô tư, thì họ cũng cho vô. Từ đó, chúng tôi nhận thấy, với tiếng cười thì giới hạn của mỗi con người có thể bước qua, và chúng tôi đã lưu lại được những khoảnh khắc cởi bỏ hiếm hoi của mỗi con người đó.

Ciarna còn "nhảy" ở Việt Nam bao lâu? Là cô dâu Việt Nam, có dễ thở lắm không?

Bất kể nơi đâu, lúc nào với người tôi yêu, tôi vẫn thấy dễ thở. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi tôi được chấp nhận với bản chất thật của con người mình. Tôi chưa biết tôi sẽ ở Việt Nam bao lâu, nhưng tôi yêu đất nước này, và còn ở đây bao lâu thì tôi vẫn còn “nhảy”.

Anh và Ciarna đến với nhau vì điều gì? Nghệ thuật có là duyên nợ lớn nhất đưa hai người kết hợp lại cùng nhau không?

Điều này đúng 100 phần trăm, và dĩ nhiên chúng tôi đến với nhau vì chúng tôi yêu nhau.

Trước đó, cũng tại không gian phá cách Himiko này, mỗi người đều có một cuộc triển lãm tranh sơn dầu, Ciarna với “Bản năng nột tại” (2005), anh với “Nhảy”(2008). Vậy sau cuộc giải lao này, liệu hai người có cùng nhau chia sẻ "nặng nề" bằng cách làm chung một triển lãm nghệ thuật "chính thống" không? Hay là đường (nghệ thuật) ai nấy đi ?

Chúng tôi cũng chưa biết chắc về điều đó, vì mỗi cá nhân đều có phong cách riêng, ai biết khi nào thì hội ngộ ?

Người ta thường nói nghệ sĩ không ai chịu ai. Vậy anh chị có ảnh hưởng bởi nhau không hay là thường tranh cãi tóe lửa. Môi trường học của cả hai khác nhau, điều đó có tạo nên khác biệt lớn trong cách sáng tác khơng?

Phải thừa nhận là quan điểm sáng tác có rất nhiều khác biệt, đôi khi không tránh khỏi tranh luận gay gắt. Nhưng chúng tôi có chung một tinh thần tự do, và luôn động viên lẫn nhau trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống.

Xin cảm ơn anh chị.

Vy Thụy.
(nguyên gốc bài đăng trên SGTT ra ngày thứ 6, 16.01.2009)
6 5
4 3
2 1
7 jump48

links khác :

http://hanoigrapevine.com/2009/01/lang_enhcmc-himiko-1000-jumpslang_enlang_vi...

http://hanoigrapevine.com/2009/01/lang_enhcmc-himiko-1000-jumpslang_enlang_vi...

http://blog.360.yahoo.com/blog-lXYq7SE5bqmSNlE82qzXzHUmApw-?cq=1&p=27058&n=28500

No comments:

Dư vị nhân gian

  Mấy nay trên Newfeed Facebook lần lượt hiện ra những bài reviews của mọi người trong về MUÔN VỊ NHÂN GIAN, bộ phim của Trần Anh Hùng đoạt...