Mỗi khi có dịp rời Việt Nam đến một đất nước khác, tôi thường dành ít thời gian lang thang dọc những con đuờng quanh phố thị. Lọt vào ống kính có khi là bất chợt cọng cỏ ngọn hoa, có khi là cánh cửa, góc cầu thang, hay mái nhà cổ kính. Nhưng có một hình ảnh ở mọi nơi chốn mà tôi chưa bao giờ bỏ qua, là những chiếc ghế dành cho khách bộ hành luôn luôn bắt gặp ở ven đuờng.
Choengju, Hàn Quốc
Mỗi chiếc ghế ở mỗi đất nước đều có một hình hài khác biệt. Có nơi thật đơn giản là phiến gỗ ghép chồng lên nhau. Có nơi là hình dáng mang đầy vẻ điển lễ xa xưa. Có nơi là sự tạo hình mạnh mẽ, có nơi thật giản dị đơn sơ. Nhưng dù khác biệt đến thế nào, thì tất cả những cái ghế ấy đều gây ra trong lòng tôi một sự xoa dịu sẻ chia. Như là tâm trạng của kẻ độc hành nhìn thấy một nơi dừng chân ngơi nghỉ.
Singapore
Ghế ở Nhật Bản thì muôn màu muôn vẻ, ít khi lặp lại. Như là sự ngẫu hứng của người dân sống trên con đường đó. Cùng một con đường, cách nhau vài chục mét thôi đã là một sự khác biệt, như mỗi câu chuyện khác nhau. Ghế ở miền quê Choengju Hàn Quốc thì lặng lẽ như chính hình dạng đơn giản của nó. Ghế ở Berlin có lúc thì kiểu cách với những hoa văn tạo hình, khi thì mạnh mẽ với hình khối đơn giản hiện đại. Ghế ở nước Mỹ thì pha trộn đa dạng giữa tính thực dụng và lãng mạn nhưng tạo cảm giác chắc chắn vững chải. Ghế ở Singapore thì tiện lợi và tận dụng triệt để nhưng hòa hợp với khoảng không gian gắn kết.
Mỹ
SanfransicoSanta BacbaraSan joseOhioNew YorkHình dáng chiếc ghế ven đường ấy dù là duy nhất hay nhiều khi lặp lại luôn gợi sự quan tâm của tôi như những tác phẩm điêu khắc vẫn thuờng khi bắt gặp ở những ngã đuờng. Bởi, dù là lặp lại nhưng trong mỗi khung cảnh khác đều gợi lên một hình dung khác nhau. Là chiếc ghế kiểu cách ở cạnh tòa nhà kiến trúc Châu Âu thì mang một dáng vẻ cổ kính như một người già đang hồi tưởng rì rầm kể những câu chuyện xa xưa. Nhưng cũng chiếc ghế ấy đặt trong con đường vắng lặng chỉ toàn là cây và ngập tràn tuyết thì mang hình dáng một kẻ độc hành mệt mỏi chỉ muốn dừng chân, và im lặng.
Nhật.NagoyaKumagaya.Dù là ở đất nước nào, hay bất kì kiểu dáng nào trong bất kì khung cảnh nào, mỗi chiếc ghế đều mang đầy tính nhân văn, và gợi lên trong tôi một cảm giác sẻ chia, thân quen quá đỗi. Mỗi lần nhìn thấy một chiếc ghế dọc đuờng tôi luôn dừng lại và đến ngồi một lúc. Khi ấy, tôi quên hết mọi điều thực tế và như cuốn trôi vào những cảm xúc mênh mang vô định. Cảm giác như đang ngồi bên một người bạn tâm giao, như đang nhìn ngắm một tác phẩm nghệ thuật, và có khi như là đang nhận cảm giác “Free hugs” giữa hai con người cô đơn trong cõi đời này.
Berlin, ĐứcỞ Việt Nam, tôi cũng đã đi nhiếu nơi khi còn là sinh viên Mỹ Thuật với những ngày thực tế với đúng nghĩa lang thang thực sự. Có những vùng hoang sơ vắng bóng, có nơi du lịch tấp nập người qua. Những lúc mỏi chân tôi thường ngồi bệt hẳn xuống đất. Hình ảnh chiếc ghế ven đường là điều hiếm hoi vô kể. Những chiếc ghế nếu thấy chỉ toàn là ở công viên, là sản phẩm những đúc khuôn y hệt từ một loại đá rửa vô cảm với dòng đề tặng từ công ty XYZ nào đó…
một trong những chiếc ghế tự tạo hiếm hoi ở hẻm nhỏ Vườn Chuối, Sài Gòn.và ở Đồng ThápTôi không đặt câu hỏi to tát như các vị tiền bối rằng bao giờ Sài Gòn mới có những bức tượng đường phố như các nước khác. Tôi chỉ tự hỏi bao giờ thì nơi chốn ồn ã nhưng đầy khoảng lõm cô đơn như Sài Gòn sẽ được sự góp mặt của những chiếc ghế cho kẻ bộ hành?
Những chiếc ghế vô danh nhưng đa dạng hình hài mà tôi bắt gặp ở những nơi kia thực sự là những tác phẩm điêu khắc giản dị nhưng đầy sức thuyết phục chạm vào sâu thẳm tâm hồn trong đời sống này. Những chiếc ghế đã lặng lẽ quan sát bao nhiêu con người dừng chân với những miên man khác biệt. Những chiếc ghế có đời sống tinh thần sẻ chia phong phú còn hơn cả một kiếp người.
Sự đam mê quan sát những chiếc ghế ven đường ấy sẽ không bao giờ tắt trong tôi khi còn bước đi trong cuộc đời này.
Himiko. Nguyễn
Ghế do tác giả làm bằng rễ cây và dây leo tại Nhật Bản năm 1998
Mười năm trước, tôi làm việc ở Nhật Bản. Công việc buồn tẻ và chán ngắt. Mỗi chủ nhật rảnh rỗi, tôi thường xách máy chụp hình lang thang trên những con đường ven triền núi... Mấy lần, trên con đường vào ga, tôi đều đi ngang căn nhà nhỏ xíu. Điều cuốn hút tôi là những chiếc ghế nhỏ làm bằng rễ cây ( để người ta đặt chậu hoa lên ), và những thân rễ xù xì lạ mắt. Vào một chủ nhật giữa tháng năm khi đi ngang ngôi nhà ấy, tôi gặp một người đàn ông trung niên đang lúi húi cắt, ghép những nhành rễ cây, dây leo, lại thành những chiếc ghế. Thú vị, lân la tôi lại làm quen. Anh tự giới thiệu mình là một nghệ sĩ chơi trống nhưng mưu sinh bằng cách đóng những chiếc ghế nhỏ bán cho người ta để châu hoa là việc làm thêm. Từ đó, chủ nhật mỗi tuần tôi đều ghé nhà anh chơi. Nhiều lần ngồi nhìn anh đóng ghế, tôi thấy có bộ rễ dây leo rất đẹp, to thiệt to, cong vòng gần như khép lại thành hình tròn, để thật lâu mà anh không đụng tới. tôi hỏi, anh trả lời, ghế đặt chậu hoa thường dùng những rễ dây leo thanh mảnh, những rễ này to quá, anh lấy về bỏ đó chứ không xài được, chắc sẽ làm củi đốt. tôi tiếc đến ngơ ngẩn, và ngập ngừng đề nghị anh cho tôi, tôi sẽ đóng một cái ghế. Anh tròn mắt ngạc nhiên không biết tôi sẽ làm gì với cái rễ thô kệch to đùng ấy, và đồng ý. Và, dưới sự giúp sức của anh ( cắt, rồi bắt đinh vít gắn chặt những khúc gỗ lại với nhau theo đề nghị của tôi ), chiếc ghế đầu tiên của tôi đã được hình thành. Đó là một điều kỳ diệu đối với một cô gái vừa qua tuổi hai mươi, và là một ký ức đẹp đẽ theo tôi mãi đến sau này.
có hình cũng cỡ 100 cái ghế nhưng mà không gian có hạn.
No comments:
Post a Comment