Tôi nhớ lần tôi vào rừng khi trời đã tối. Con đường hoàn
toàn mịt mù, chỉ có thể loáng thoáng thấy những gì trong tầm sáng của đèn xe.
Bên tay phải tôi là những triền núi nối những triền núi, bên tay trái là vực
sâu. Bóng tối, cái lạnh và sự hoang vu không đáng sợ bằng hình ảnh của những
quả núi cao lù lù in những bóng đen lên nền trời đêm phía trước mặt, cảm giác
như thể những ngọn núi sẽ đổ sập xuống và đè bẹp tôi.
Kế hoạch cắm trại bên thác của tôi và một người bạn đổ bể
khi những cục pin mới mua đã hết hạn và chảy cả nước ra. Không ánh sáng, chúng
tôi không sao tìm được củi để nhóm lửa. Hoàn toàn tối mịt, chúng tôi- hai người giữa
rừng- chỉ nghe thấy tiếng thác đổ ầm ầm. Những tưởng quay về thành phố công
cốc, tôi sực nhớ ra cách đó không xa là một đập thủy điện và biết đâu chúng tôi
có thể xin những người gác trạm ngủ qua đêm.
Trạm gác thủy điện có lẽ là nơi kỳ thú nhất mà tôi từng ở.
Bình minh ở trên đập lặng lẽ. Con đường đê trải dài ôm hết
hồ chứa nước rộng lớn. Đứng trên con đường, tôi có thể thấy bao quát khu rừng
đang vào mùa khô trơ trụi lá, lòng sông cạn nhô lên lổm nhổm đá, tiếng thác đổ
đằng xa vọng lại.
Trước khi quay về thành phố, tôi tranh thủ tắm ở dòng sông dưới chân đập. Tôi trần truồng ngụp lặn trong nước mát lạnh. Bờ bên kia là những cây cổ thụ được bao bọc bởi thảm dây leo xanh mướt buông thõng xuống mặt nước. Giữa khung cảnh ấy, tôi chẳng thể nghĩ ngợi gì cả. Tôi thấy mình nhẹ nhõm và ấm áp lạ kỳ.
Sau này, nhớ lại cái khung cảnh và thời gian ấy, tôi không tránh khỏi so sánh với những gì đang xảy ra xung quanh tôi. Giữa cuộc sống quá nhanh, quá rực rỡ, quá ồn ào và có lẽ quá tàn nhẫn này, tôi thấy mình không thể hòa nhịp được với ngay chính bản thân. Tôi phải sống khác những gì mà tôi thực sự mong muốn. Ở khía cạnh nào đó, tôi đã lừa dối tôi.
Với việc làm phim, có lẽ cũng khó tránh khỏi sự tự lừa dối ấy. Có quá nhiều điều xảy ra trong môi trường phim ảnh . Nhưng không có gì lộn xộn, náo nhiệt cho bằng chính những suy tưởng bên trong bản thân mỗi người làm phim. Đó là sự giằng co giữa những tư tưởng cũ và mới, giữa ý thức hệ và ý thức cá nhân, giữa những cái mà đa số cho là và những cái mà mình nghĩ là đúng đắn,...làm sao để từ ý tưởng phôi thai đến kịch bản, quá trình quay, dựng phim và cuối cùng là bộ phim hoàn chỉnh người làm phim được nghĩ và làm như những gì mình mong muốn là điều không dễ. Và không ít khi để tránh sự va chạm, tôi đã phải tự lùi bước, tự tháo dỡ chính những ý tưởng của bản thân và hơn nữa, phải khoác vào những bộ áo hoàn toàn không phù hợp với mình.
Nhiều khi tôi cũng giả định, nếu những cục pin không hư, chúng tôi sẽ có ánh sáng nhóm củi và sẽ ngủ ở bên thác như dự định. Nhưng nếu như thế làm sao tôi có thể được ngủ trong một trạm gác thủy điện nhỏ xinh mà xung quanh là những ô cửa sổ lớn lắp kính nhìn ra hồ chứa nước và những quả núi, làm sao tôi được chứng kiến bình minh từ con đường đê… Và nếu những cục pin không hết hạn thì có lẽ tôi đã không thế có cái cảm giác nhẹ nhõm và ấm áp lạ kỳ vào buổi sáng hôm đó.
Mỗi sự tình cờ đều dẫn đưa đến những kết quả không ngờ. Nếu chỉ đơn giản là một chuyến đi chơi như của tôi đã phát sinh những bất ngờ từ sự cố những cục pin bé xíu, thì cứ phóng đại lên gấp ngàn lần để thấy những tai nạn tình cờ, những biến cố bất ngờ trong việc làm phim. Và nếu trong đêm đó, tôi quay về thành phố thì có lẽ mọi chuyện đã đơn giản hơn. Nhưng thế nghĩa là tôi đã chối bỏ một bất ngờ ( hay là cơ hội?), và chính bất ngờ này giờ đây đã là một phần không thể thiếu trong tâm trí tôi.
Tôi nghĩ rằng, mình làm phim suy cho cùng là làm nên một chuyến đi để đi trong chính nội tâm của bản thân. Chuyến đi nào cũng đều chất chứa biết bao sự bất ngờ, bao lần lạc hướng. ..Và có lẽ điều tôi cần làm là đón nhận những bất ngờ và tận hưởng cảnh vật của con đường lạc, vì lẽ nội tâm đâu đơn thuần là một điểm đến rõ ràng mà nó tựa như một khu rừng rậm rạp và tôi đi – lạc là đi- lạc trong khu rừng rậm rạp ấy.
Trương Minh Quý
No comments:
Post a Comment