Bài viết đăng trên báo THỂ THAO VĂN HÓA Đàn Ông ( phụ san báo Thể Thao Văn Hóa, thông tấn xã Việt Nam ) số 22 - 8/2007
Tôi đến với festival performance mùa hè của NIPPAF cũng thật tình cờ. Chỉ với một câu hỏi của ông Seiji khi đến xem triển lãm sắp đặt đầu tiên của tôi tại Himiko visual saloon vào tháng 4 năm ngoái : “ Tại sao bạn không làm performance.?”
Ừ, tại sao? Trước giờ tôi chỉ đứng bên ngoài nhìn và cảm nhận về performance bằng trực giác của riêng mình. Những cuộc trình diễn ở VN mà tôi được xem đều mang tính tự phát và cảm thấy đó là một sự sắp xếp trong sự kiểm duyệt trước. Có đôi lúc, thôi thúc trong tôi những ý tưởng chỉ có thể thể hiện tốt nhất bằng một tác phẩm performance. Nhưng, tôi chỉ nghĩ rằng, mình sẽ độc diễn trước ống kính máy quay, khai triển và trình làng nó dưới hình thức video art, điều dễ dàng thực hiện hơn trong điều kiện ở VN.
Hai tháng sau, tôi nhận được email đề nghị tham dự festival performance mùa hè giữa các nghệ sĩ Châu Á và Trung Nam Mỹ. Bắt đầu từ ngày 14.7 đến ngày 1.8.2006, diễn ra tại 4 thành phố Tokyo, Nagoya, Nagano và Kumagaya.
Tôi tham gia festival với một trạng thái bỡ ngỡ và những chuẩn bị cồng kềnh ( điều không hoàn toàn thích hợp với một chương trình có tính chất dàn trải và di chuyển nhiều nơi như thế này ). Lần đầu tiên thể hiện mình dưới một hình thức nghệ thuật vẫn còn mới mẻ, ở một môi trường nghệ thuật khác xa với đất nước mình, cũng khiến tôi có nhiều thay đổi cách thức so với những gì mình chuẩn bị trong suy nghĩ.
Dù chuẩn bị tâm lý trước là thể nghiệm và học hỏi nhiều hơn là một cuộc trình diễn với tư cách một nghệ sĩ thực thụ, nhưng khi bước vào chương trình, đã có nhiều thay đổi bất ngờ. Từ dự định ban đầu là chỉ tham gia 4 cuộc trình diễn theo quy định của ban tổ chức, tôi bị cuốn vào tất cả các cuộc trình diễn tự do ngoài đường phố và cả ở nơi diễn ra seminar chỉ có các nghệ sĩ ( mà vài phút trước đó tôi đã từ chối bốc thăm thứ tự khi bảo rằng mình chẳng có một ý tưởng trình diễn nào cả trong khu rừng ở Nagano ).
Ý tưởng chủ đạo của tôi trong festival này là về góc khuất yêu thương trong con người trong thời đại này ( mà cụ thể là, trong môi trường tôi đang sống ). Tôi đã suy nghĩ nhiều và căng thẳng trong cách lựa chọn phương pháp thể hiện trong điều kiện vẫn có những giới hạn của studio ( mà trước khi chạm vào thực tế, tôi cứ tưởng rằng, chẳng có giới hạn nào cả ). Đã có những lựa chọn và thay đổi bất ngờ. Thậm chí, những ý tưởng bất chợt xuất hiện. Trong những cảm giác căng thẳng của lần đầu tiên, và sự luống cuống chạy theo quy định thời gian, cũng làm tôi có những thay đổi bất ngờ ngoài dự kiến. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là, tôi đã vượt qua được và thể hiện xúc cảm của mình trong suốt chương trình.
Tất cả nảy sinh từ một sự thôi thúc được thể hiện cảm xúc của mình về những tâm hồn khao khát yêu thương đang phải cố kiềm nén che giấu mình của những người sống chung quanh tôi. Tôi vẫn thường hay nhìn thấy góc khuất trong nhiều người, những tâm hồn âm u vô hướng, những vô định trầm sâu. Tôi nhìn thấy con người ta ngờ nghệch hoài nghi và chối từ, khai sinh và hủy diệt. Tôi nhìn thấy những nỗi đau đớn tự nhốt mình vào trong lớp vỏ cô đơn trốn chạy cảm xúc. Sự xung đột cảm xúc và lý trí giống như những lớp sóng đổ dồn vào nhau, cuốn con người ngày càng xa nhau. Những tâm hồn nhạy cảm càng giấu mình vào bên trong những chiếc mặt nạ an toàn, đổ khuôn cảm giác khao khát được yêu thương thành những vẻ ngoài lạnh lùng xơ cứng. Từ chối bản năng của tạo hóa, con người ta bị ngăn cách bởi những cánh cửa trong suốt của định kiến ( tưởng chừng như không còn tồn tại trong xã hội ngày càng tỏ ra đổi mới ), và sự khao khát yêu thương, bản năng tự nhiên, lại trở thành góc khuất trong mỗi con người. Tôi muốn cất lên một tiếng nói cho những số phận lẻ loi, những tâm hồn đẹp nhưng luôn phải trốn chạy chính mình. Những suy nghĩ đó, tôi không thể thể hiện bằng bất cứ hình thức nghệ thuật nào, tốt hơn là performance.
Do đặc thù của từng studio mà có những giới hạn đặt ra. Chẳng hạn, ở studio morishita (Tokyo) , tôi không thể sử dụng lửa, (Trong khi, tôi muốn dùng sáp nóng của nến đổ khuôn gương mặt mình). Thế là, tôi đành mượn những chiếc mặt nạ bằng giấy thật mỏng của cô bạn nghệ sĩ Hồng Kông thay thế. Khi tôi quay cuồng bởi những dòng chữ nhiều mâu thuẫn được viết ra trên sàn nhà thì cô bạn sinh viên Kana đã bật khóc, và giữ nguyên xúc cảm ấy đế bước vào làm trình diễn ngay tiếp sau tôi.
Ở Nagoya, tôi có thể sử dụng lửa tự do nhưng lại không thể viết chữ lên sàn, đành thay đổi bằng cách để những dòng chữ lần lượt hiện ra trên tường qua projector, và cũng qua ánh sáng của máy chiếu, đã hòa nhập bóng tôi cùng bóng người khán giả lên giúp tôi đốt nến (ngồi cách nhau một cái bàn ) vào thành một khối hình duy nhất. Đêm ở Nagano, rút kinh nghiệm từ những hối thúc thời gian ở hai đêm diễn trước, tôi đặt những cây nến nằm hẳn để sáp mau tan chảy, và úp mặt mình lên tấm gương đầy sáp tạo thành một chiếc mặt nạ. Có những tương tác bất chợt đã khiến tôi có những hành động bộc phát không kịp biết trước, là những cái tát thật mạnh vào gương mặt đang bỏng rát bởi chiếc mặt nạ. Sau này, đã có khán giả Nhật viết cảm tưởng gửi cho ông Seiji về buổi tối hôm đó
“ Cô gái đã đắp sáp nóng lên mặt và tự tát thật mạnh vào gương mặt mình đã gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ. Không thuyết giảng bằng lời, mà sử dụng bản thân để biểu hiện, đã tác động nhiều đến sức tưởng tượng của khán giả “.
Và đêm cuối cùng ở Kumagaya, đêm diễn ngoài trời trong ngôi đền lộng gió, thật tình cờ, cô gái xinh đẹp mà tôi bước đến trước mặt và vẽ lại nét mặt qua tấm gương phản chiếu, lại là một người đàn ông chuyển đổi giới tính. Phải đến lúc đi ăn tối chia tay các nghệ sĩ, cô gái ấy mới thốt lên giọng ồm ồm xúc động là, đã nhìn thấy cảm xúc về thế giới của mình qua ngôn ngữ trình diễn của tôi. Điều đó đã khiến tôi vui, bởi lẽ, tôi có thể tương tác đến những con người khác nhau, không bằng lời nói, mà bằng ngôn ngữ của xúc cảm.
Rồi những cuộc trình diễn ngoài đường phố cũng là những thú vị bất ngờ. Trước đó, khi được biết là chỉ có 4 cuộc trình diễn chính thức là bắt buộc, còn lại, các cuộc trình diễn ngoài trời đều là tự do, nên tôi, vốn dĩ hồi hộp bởi cảm giác đầu tiên, đã định sẽ chỉ đứng quan sát chứ không tham dự. Nhưng rồi, những ý tưởng bắt chợt hiện ra, và tôi cũng không cưỡng lại cảm giác muốn thử nghiệm. Ở nhà ga Nagano, nhặt bao rác màu đen vứt đi của cô bạn diễn người Mêxicô, tôi chui vào đó, và đi đến từng người đang đứng lại vì tò mò, và đưa tay chạm vào họ, tay còn lại cầm chiếc máy quay phim ở bên trong. Ở bên ngoài nhìn vào chỉ là một khối đen di động, nhưng từ bên trong, tôi nhìn thấy rõ, và quay phim lại rõ gương mặt họ đang co rúm lại vì sợ, vì ghê ghê, và cả một nhóm nữ sinh bỏ chạy trước khi tôi đến gần. Tôi cảm thấy buồn cười, bởi những ý nghĩ, đôi khi, người ta chỉ nhìn bên ngoài mà chưa kịp biết bên trong hiện tượng là gì, đã vội sợ hãi bỏ chạy và xa lánh. Tôi nghĩ đến những người lớn, cứ nghĩ là đứa trẻ chẳng biết gì, họ cứ thoải mái bộc lộ những bản năng bí mật, mà, nếu biết là có người quan sát và nhận biết, thì họ đã giấu biến nó đi và khoác lên người một lớp vỏ đạo mạo nghiêm túc. Nếu tôi không chui vào bao rác đen trùm kín người tưởng chừng như không nhìn được gì đó, hẳn khi tôi bước đến gần, họ sẽ mỉm cười, như theo thói quen của vỏ bọc giao tiếp, bởi một con người bình thường và nhận biết rõ tôi đang quan sát họ?
Rồi một lần ở nhà ga Kumagaya. Tôi cũng bất chợt chui vào bao rác đen ấy, leo lên một bệ đá cao phần phật gió, rồi lần lượt cởi hết quần áo ra. Gió thổi áp sát bao đen vào người, lộ rõ những đường cong phồn thực, mà tuyệt nhiên không ai nhìn thấy gì bện trong hết. Tôi bước vào trong vòng tay những người đàn ông mà anh chàng nghệ sĩ Philippin vừa nằm xuống đất làm mẫu vẽ thành, và đứng đó, bất động. Gió vẫn thổi mạnh làm lộ rõ đường cong, người vẫn đi qua và ngoái nhìn, tôi vẫn đứng đó, và nhìn thấy, ghi lại hết những ánh mắt bất thường, buồn cười, mỉa mai, giễu cợt…
Những ý tưởng bất chợt đến trong những cuộc trình diễn trên đường phố cứ thôi thúc trong tôi ý định thực hiện ý tưởng đó tại Việt Nam. Tôi tin chắc rằng với ý tưởng của mình, khi thực hiện ở đường phố Việt Nam sẽ thành công hơn bởi sự thu hút, sự tương tác thái độ từ những người xem. Ở Nhật, dù sao, sự bận rộn và vội vã đã khiến nhiều người bước ngang qua, ngoái nhìn, những vẫn bước đi cho kịp giờ công việc. Và, số lượng khán giả vẫn còn giới hạn.
Tôi thực sự ngạc nhiên về sự nhiệt tình và đóng góp của các bạn sinh viên Nhật, một yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công cho các chương trình festival performance của NIPPAF. Và, tôi nhận ra được một điều quan trọng trong chuyến đi này rằng, ngay cả ở một nơi phát triển mạnh như Nhật Bản, performance vẫn chưa thực sự được thừa nhận và ủng hộ trong công chúng. Nhưng NIPPAF và các bạn trẻ Nhật vẫn không ngừng mệt mỏi, có một đam mê theo đuổi, tiếp nối và phát triển một loại hình nghệ thuật vốn không được nhiều ưu ái trong đời sống bình thường.
…
Có người hỏi tôi, là một nghệ sĩ điêu khắc sao lại tham gia phần nhiều ở loại hình thị giác mới, mà không chuyên chú sâu vào chuyên môn được đào tạo. Tôi cười. Biết nói sao giờ, tôi có những cảm xúc, những nghĩ suy, những ý niệm không thể trói buộc vào một quy định lề thói phải bắt buộc về sự diễn đạt. Điêu khắc hay hội họa hay nhiếp ảnh hay sắp đặt, hay trình diễn… với tôi đều là một trong những ngôn ngữ dùng để thể hiện cảm xúc sáng tạo. Và, tôi sẽ không trói buộc mình vào một ngôn ngữ nhất định nào cả. Tôi bắt đầu làm performance từ một cái duyên, nhưng cũng không thể tưởng tượng rằng, những xúc cảm, những quan sát của tôi về những giới hạn, những góc khuất yêu thương con người sẽ thể hiện như thế nào bởi những loại hình khác.
Sau cuộc tham gia ấy, tôi chưa có dịp lần nữa thực hiện performance ở Việt Nam. Bởi những ái ngại rắc rối về khâu kiểm duyệt. Với tôi, performance là một ngôn ngữ tương tác bất chợt của cảm xúc giữa hoàn cảnh xung quanh và nghệ sĩ, tôi không thích cảm giác phải trình duyệt, chạy đường dây trước như một kịch bản sân khấu. Có lần, tôi muốn bước ra đường, khoác lên người cái bao đen, cầm máy quay hình bên trong, thu lại những ánh mắt của những người trên đường. Tôi nghĩ, sự tương tác sẽ hay hơn rất nhiều so với trình diễn ở nước ngoài…
Tôi vẫn mong mình có thể xúc tiến, áp dụng và khởi động được những chương trình tương tự như Nippaf ở Himiko, mặc dù biết, sẽ rất khó.
8 comments:
"là một nghệ sĩ điêu khắc sao lại tham gia phần nhiều ở loại hình thị giác mới, mà không chuyên chú sâu vào chuyên môn được đào tạo"... không nhất thiết phải vậy... Chỉ cấn lọai hình đó phù hợp với mình thì cái gì cũng có thể làm được... Tại sao lại phải từ chối performance để làm điêu khắc trong khi điêu khắc không chuyển tải được hết những rung động và xúc cảm của mình??? và đến một lúc nào đó cần điêu khắc để thể hiện, bạn cũng sẽ làm tốt như những lọai hình khác... ;D
Cũng mới đọc xong ở báo. thấy bài viết hay, và thấy sự trải nghiệm lẫn thể nghiệm của bạn rất sâu sắc.
Thật thú vị về ý tưởng làm performance ngoài đường phố ở VN. Không biết bao giờ có đây? Ủng hộ bạn
thik cai bao rac den
hinh chup dep qua
Lần mò cuối cùng lại đọc được bài này. Himiko thì tôi nghe tiếng từ những người bạn họa sĩ rồi nhưng vì ở HN nên chưa được đến. Bản thân tôi làm báo, thấy không có cách nào hay hơn bằng việc để chính những người họa sĩ tự nói về họ. Vì nếu không,bài báo sẽ dễ trở thành trò "tán tranh" phiến diện. Chỉ có theo cách tự sự, cảm xúc từ người nghệ sĩ mới truyền tới trực diện với người đọc.
Tôi rất thích những cách thể nghiệm của bạn. Và cũng ngược lại, đã thích thì là cảm xúc, không nên dùng ngôn từ để diễn tả. Bạn đã làm được điều mà ít người nghệ sĩ làm được: Truyền trạng thái lên đồng cho những khán giả của mình. Chúc mừng bạn.;)
Cảm ơn cafe...
bài viết này hổng được lãnh nhuận bút vì anh kia ảnh nhận viết dzìa, nhưng rồi ảnh giao tự viết luôn, cái ảnh nghĩ công anh cho m lên báo là ngon rồi nên chắc ảnh nhận nhuận bút thay. :))
Post a Comment