Sunday, 4 August 2013

NGOÀI SÁNG II


CÒN NÀY LÀ HẬU TRƯỜNG : 

Xuất phát từ ý tưởng nào mà Hoàng lại đưa ảnh khỏa thân vào hộp đen? Cho vào hộp thì có gì

hay hơn để bên ngoài?

  Tôi bắt đầu đề tài về khỏa thân đầu tiên là CLOSER  (GẦN NỮA) năm 2006, nhưng khi đó triển lãm không được cấp phép với lý do là “vi phạm thuần phong mỹ tục”. Cho nên lần này, tôi đưa vào hộp, đặng thay thế sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng, để bảo vệ ánh mắt của những ai không muốn xem . Vì Himiko café là nơi có nhiều người đến ngồi chỉ để, thư giãn và nghe nhạc, và xem tranh (nếu muốn). tôi không muốn làm bận lòng những ai thờ ơ, không quan tâm đến. 

Ngoài ra, tôi cũng muốn tránh việc chụp lại hình ảnh của người xem. Vì dù sao gia đình tôi cũng là gia đình truyền thống nghề giáo. Không ai hiểu về con đường tôi chọn. “Cởi bỏ là tự do, nhưng ràng buộc vẫn luôn tồn tại” (tựa đề bài báo bên TTVH cũng trích từ một câu trả lời của tôi), dù là nghệ sĩ, nhưng tôi cũng phải giữ gìn cho gia đình. Nếu để hình ảnh khỏa thân của mình phát tán tràn lan trên mạng trong bình phẩm của mọi ngưởi, chắc rồi sẽ đến tai má tôi. Và chị tôi cũng là một người có vị trí cao trong ngành giáo dục nữa. Làm gì thì tôi không thể đạp bỏ những nguyên tắc đó. Tôi có thể bình thản tự bảo vệ mình trước dư luận. Nhưng gia đình tôi, những người có lien quan thì tôi không thể bất chấp được.

Cũng nhờ sự tự kiểm duyệt đó, mà tình cờ tôi tìm được một hiệu ứng hay của ánh sáng. Nhiều người nhận xét rằng hình trông giống hình 3 D, dù rằng, tôi rửa bằng giấy rửa ảnh thông thường. có lẽ, khoảng cách gần, sự tập trung cao độ, cộng với ánh sáng chỉnh đủ sắc độ sáng tối, từ mờ mờ, đến ánh sáng ấm, đến sáng trưng làm nổi bật thân hình ra khỏi nền đen của tấm ảnh. Nhiều người xem xong còn chờ tiếp, vì nghĩ như bộ phim, sẽ có những tấm ảnh khác thay thế. Nhưng đâu biết nghệ sĩ làm gì mà nhiều tiền để lắp một màn hình tinh thể lỏng bên trong. 

Vì sao Hoàng lại đặt tên cho dự án là Come-out? Come-out nhưng hình như ảnh toàn giấu mặt 

là vì sao?

ồ, tôi không giấu mặt đâu. NGOÀI SÁNG I  vì người mẫu là tôi. tôi chụp một cách ngẫu nhiên khi đang tham gia trại sáng tác ở Hàn Quốc. đặt máy ở chế độ tự động, tôi cứ chạy ra chạy vô. Có tấm tôi còn bật cười vì trượt té. Nói chung là, gương mặt tôi bình thản, và tinh nghịch, như đang đối diện với chính mình (vì có ai ngoải tôi và ống kính đâu. *cười*). Gần như 2/3 là thấy mặt tôi (tổng cộng 18 tấm), chỉ còn lại vài tấm là không thấy do tôi quay lưng lại, hay màu tóc đen như đang rúc vào trong bóng đêm. Vì thường khi đặt tên triển lãm, nghệ sĩ phải chọn một cái tên tiếng Anh, nên tôi chọn tên COMEOUT, theo tinh thần bước ra khỏi những suy nghĩ bị đóng khung bên trong chiếc hộp. Tên tiếng Anh này thường được nhiều người dịch là LỘ DIỆN, nhưng tôi chọn dịch theo nghĩa Tiếng Việt là “NGOÀI SÁNG”. Còn NGOÀI SÁNG II là do người mẫu tình nguyện đa dạng nhiều thành phần. tôi cũng không làm stylist, cũng không yêu cầu người mẫu tạo dáng thế nào để tránh sự trùng lặp sắp đặt (còn ngẫu nhiên trùng lặp thì là điều thú vị). tôi chỉ đóng vai trò của một cái máy, ghi nhận lại những gì người mẫu hướng về phía tôi, và chọn bố cục tốt nhất mà mình có thể.

 Hình như Hoàng chỉ chuyên chụp ảnh người cùng giới? Đã bao giờ một bạn nam đến nhờ Hoàng chụp ảnh để tham gia dự án? Lúc đó Hoàng sẽ xử trí thế nào?

Ồ không. Sau CLOSER, tôi từng chụp cho 1 bạn nam, dù là gay. Nhưng vì không muốn tiếp tục làm triển lãm về CLOSER nữa, cho nên tôi chưa sử dụng loạt hình đó.  Riêng về NGOÀI SÁNG II tôi muốn chào đón mọi người, không phân biệt giới tính. Cả nam, cả nữ, nói chung là con người.

 Với những người mẫu tham gia Come-out 2, Hoàng có điều kiện và giao kèo gì?

Có một cô gái trẻ vừa gởi cho tôi câu hỏi : Em chào chị, em là A.H, 23 tuổi, em có theo dõi và thấy hứng thú với dự án NGOÀI SÁNG II. Em muốn tìm hiểu thêm về dự án này, chị có thể cung cấp cho em vài thông tin chi tiết như cách thức tham gia, chi phí đóng góp, những điều kiện để tham gia và các thông tin khác có liên quan. Em cảm ơn 

Tôi đã trả lời :“chỉ cần là một người tự hài lòng với bản thể mình là tương đối đủ rồi em chuyện đóng góp thì tùy ở lòng của mỗi người, không nằm trong điều kiện tham gia”Về giao kèo thì, các người mẫu không bắt tôi ký thì thôi, cớ gì tôi phải bắt người mẫu giao kèo.  Gần như tất cả các người mẫu đều có sự tin tưởng tuyệt đối tôi khi tham gia tình nguyện. Ngay cả năm 2006. Khi tham gia làm mẫu cho CLOSER (GẦN NỮA). những người tình nguyện làm mẫu khi đó đều không biết tôi sẽ thể hiện dưới hình thức nào, vì khác với NGOÀI SÁNG II, thời gian làm CLOSER thì khi bắt đầu chụp, tôi vẫn chưa đưa ra hình thức thể hiện sau cùng. (có một cô ca sĩ nổi tiếng, cũng không hết bắt tôi ký bất kỳ một cam kết nào). Những người tình nguyện đã không lo lắng, thì sao tôi lại phải? 

Nhưng trong trường hợp COME-OUT II được nhà sưu tập hay bảo tang nào đó mua, thì có thể tôi sẽ thảo ra một thỏa thuận riêng với người mẫu. (cười lớn)

Hoàng chuyên tâm vào đề tài khỏa thân (từ cái triển lãm gì mà bị cấm?). Qua đề tài này, Hoàng muốn chuyển tải điều gì?

Ồ không, nếu dung từ chuyện tâm thì có lẽ, NHỮNG GIẤC MƠ XƯA (những chim hạc làm từ vỏ bao thuốc lá bị vứt ven đường), sẽ đúng hơn. Vì bắt đầu từ 2010, cho đến bây giờ tôi vẫn còn thực hiện sê ri những khung cửa sổ mọi kích cỡ, vẫn còn tẩn mẩn ngồi gấp những cánh hạc, vì như tiêu chí ban đầu, tôi muốn ứng dụng vào đời sống cũng như nuôi sống Himiko visual café từ chi phí bán tác phẩm trong NHỮNG GIẤC MƠ XƯA. Khỏa thân cũng chỉ là một trong những đề tài trong cuộc sống mà tôi chạm vào. CLOSER khởi nguồn từ lời nói của một người bạn qua chat, cổ nói đừng cho cổ xem ảnh nude, cổ sẽ ói. Tội nghĩ, cổ đã bị lẫn lộn giữa nude và sex.  Nên tôi làm CLOSER đơn giản chỉ là để thay đổi sự nhầm lẫn của cổ. tôi muốn trả lại suy nghĩ đơn giản về nude. Vì sự đóng khuôn suy nghĩ về cái đẹp bản thể trong những cái hộp từ trước giờ đã khiến nhiều người nghĩ sai lệch về cái đẹp tự nhiên của nude. Rồi một số nhiếp ảnh gia, vì lách luật, cũng đưa ra những tấm ảnh chìu chuộng thị giác người xem, cũng làm sai lệch nốt cái nhìn về nude, vốn rất là giản dị như chính bản thể của nó. 

. Hoàng có run khi tổ chức triển lãm không xin phép?

Ồ, tôi đã  tôn trọng thước đo về THUẦN PHONG MỸ TỤC sau sự cố CLOSER, tôi đã tự kiểm duyệt và tôn trọng người xem. Ai không muốn xem hoàn toàn không bị vô tình nhìn thấy. Tôi đặt những cái hộp đen bằng chiều cao của người trưởng thành. Và tôi cũng không gởi thông cáo báo chí như những cuộc triển lãm khác.  tại sao tôi lại phải run?

.       Theo Hoàng thì nghệ sĩ trong Nam đều có điểm chung là không muốn làm các thủ tục xin phép rầy rà? Phải chăng việc xin phép này ở Việt Nam đã trở nên lỗi thời, không cần thiết?

Theo như cảm giác của tôi, có một người đàn ông lạ mặt làm bên ngành văn hóa có đến dự đêm khai mạc NGOÀI SÁNG I (vì tôi mời công khai và tự do), và sau đó người đó có đến bên cạnh tôi cười, nói : triển lãm thú vị và hay (tôi không nhớ rõ nguyên văn, chỉ  đại ý là không thể cấm được). 

Theo tôi biết thì ở các nước tiến bộ, người nghệ sĩ không cần phải xin phép ai cho tác phẩm của mình cả.  Sáng tạo là một lĩnh vực trừu tượng mên mông, nếu muốn, anh có thể áp đặt bất cứ cái nhìn nào của anh vào nó. Làm sao người kiểm duyệt có thể đặt mình vào góc nhìn của người nghệ sĩ được. Chi bằng, anh cứ để họ tự do thể hiện, tự do trưng bày. Rồi cái hay, cái dở đều được phơi bày cả, nào ai có thể dùng những ngụy ngôn để tô vẽ về tác phẩm của mình, rồi bắt mọi người nhìn theo góc nhìn của mình được. Ở thời đại bia miệng truyền nhanh như internet này. Cái anh cấm vẫn đầy rẫy trên internet đó thôi. Chưa kể, việc đổ khuôn suy nghĩ đó còn khiến phát sinh thêm những tác dụng phụ tai hại, càng khiến người ta tò mò tìm kiếm. Và như đã nói, những cách lách luật, ma mị lòng người thì được cấp phép, càng khiến người ta bị xiêu vẹo cách nhìn một một cách thảm hại. Chẳng hạn như nude, vốn là một cái nhìn đơn giản nhất. người ta hoàn toàn có thể nói thích hoặc không, đẹp hay tục, mà vài người nhiếp ảnh còn mang người mẫu ra phơi mình ngoài trời để minh họa cho thiên nhiên (trong khi cơ thể người phụ nữ vốn chứa đựng nhiều khung cảnh thiên nhiên trong đó. Vài tấm trong CLOSER, khi thoạt nhìn vài người còn không nhận ra là nơi nảo trên cơ thể, cứ nghĩ là đồi cát) *cười*

Tốt nhất hãy cứ để ngưởi nghệ sĩ thể hiện, phản cảm quá thì dư luận sẽ chê, hay thì sẽ lan xa, nhiều người tìm đến. Nào phải cái gì được cấp phép thì cũng được khen đâu. Báo chí nhiều khi còn chê tơi tả những sáng tác đã được kiểm duyệt cấp phép đó thôi. Đời sống đã nhiều mỏi mệt, nghệ sĩ vốn đã nhạy cảm, sẽ mệt mỏi nhiều. Kiểm duyệt nhiều quá có khác gì như ba mẹ cứ mãi làm bảo mẫu cho con, trong khi người xem vốn đã có sự tự kiểm duyệt và chọn lọc.

 Có bao nhiêu người đã đến xem Hoàng khỏa thân tại Come-out 1 trong thời gian bao lâu?

Làm sao tôi có thể đếm được. để trả lời câu hỏi này, tôi phải vào xem lại những video clips và những tấm ảnh chụp người xem mà tôi đã post lên mạng. (nhưng tôi lại bỏ sót mất đêm khai mạc rồi, vì khi đó, thời gian chuẩn bị gấp gáp quá. Ngày mai khai mạc mà hôm nay người ta mới giao cho tôi những cái hộp. rồi phải mắc đèn, đi dây, nên gần như tôi chưa kịp mời những người đến trong đêm khai mạc ghi lại dòng cảm nghĩ. 

Đêm khai mạc tôi cũng chỉnh ánh sáng sẵn chỉ 1 mức độ, vì sợ đông người vặn tắt quá đèn sẽ bị đứt bóng. Đếm cuốn cảm khoảng 381 chữ ký, vốn chỉ đưa ra sau ngày khai mạc, từ ngày 04/06/2011)

 Ảnh có yếu tố khỏa thân vẫn bị dè chừng ở Việt Nam (nhất là từ phía cơ quan quản lý). Quan sát thái độ và qua phát biểu của người xem, Hoàng có thấy sự dè chừng đó?

Có 2 anh chị kia đến chỉ đến uống café. nhưng thấy một người đi xem những chiếc hộp đen kịt mà ban đầu họ ngỡ là những thùng loa, cô gái hỏi tôi bên trong những chiếc hộp đen đó là gì, tôi cười nói là ành khỏa thân. Cô gái bèn đứng dậy định ghé mắt vào chiếc hộp gần nhất để xem. Tôi liền nói : “em ơi, phải bắt đầu xem từ cái hộp đầu tiên”. Mà khi đó tay tôi đang cầm máy ghi lại hình ảnh người xem (những tấm ảnh người xem cũng là một phần tác phẩm của tôi, như sự tương tác tiếp diễn với người xem, tôi ghi lại nét mặt, hình ảnh và bàn tay của họ đang xem tôi trình diễn khỏa thân ở bên trong những chiếc hộp). Người đàn ông có vẻ e ngại, kéo tay cô bạn gái lại, ra dấu là đợi tôi chụp xong rồi hãy xem. Tôi liền nói : nếu anh từ chối xem lần này, thì sau đó anh sẽ không được xem nữa, vì đã một lần từ chối. Thấy vậy, người đàn ông đành đứng dậy đi xem cùng cô gái. Một lúc sau, khi ghi lại cảm nghĩ của mình, anh ấy thừa nhận là, mọi thứ không như ảnh đã nghĩ. (cười)

Có một cô dáng vẻ rất nhà quê, khi xem, kêu lên rối rít với cô cháu gái đi cùng (đang xem một chiếc hộp phía sau vì tôi sắp đặt theo một đường dẫn như một câu chuyện nội tâm) : “ảnh nổi, ảnh nổi” (cổ hông biết dung từ 3 D), rồi thấy tui đang đi theo chụp hình, cổ nói:” cho coi lâu hơn chút được không em?” Đa phần những suy nghĩ ghi lại đều là những bất ngờ từ hình dung ban đầu đến cách thể hiện trực tiếp họ nhìn thấy. và đa số, đều là những dấu hiệu lạc quan. Thậm chí, có vài cô khách quen nhất định không xem (và chắc nghĩ, chằc là ghê lắm mới đem giấu ở trỏng, *cười*), nhưng đến khi nghe NGOÀI SÁNG I chỉ còn vài ngày là hết triển lãm, bèn tới xem. Và sau đó cũng ghi lại về chuyện không định xem của mình. Nhiều người ghi lại cùng một ý là mỉm cười và thở phào, rằng không như họ nghĩ.

Come-out 2 sẽ tiếp tục vận động tài trợ qua Facebook? Việc nhiều người (không quen biết?) nhiệt tình tài trợ cho triển lãm cũng phần nào phản ánh sự ủng hộ của họ dành cho ảnh khỏa thân?

Lẽ ra là vậy. nhưng vì kiếp nạn bất ngờ mà tôi gặp phải vào cuối tháng 7 năm ngoái đã khiến nhiều người trên FB hao tốn tiền bạc không ít. Tôi đã nhận không dưới 50 triệu từ sự đóng góp của mọi người trên FB cho chi phí chữa trị. Nhưng dù tôi không tự đứng ra vận động, cũng có anh chị hứa với tôi là sẽ thay tôi làm điều đó. Và tôi cũng có nhiều phương án để làm “NGOÀI SÁNG” (II) cho trường hợp không được tài trợ, chỉ là, thời gian ra mắt “NGOÀI SÁNG” II sẽ kéo dài ra hơn. (thời gian dự định từ cuối năm 2013 đến giữa năm 2014). 

TRONG NGOÀI SÁNG (II), không là hộp hình chữ nhật đặt rải rác nữa, mà là hộp hình vuông xếp và đặt chồng lên nhau. Trong một hộp, không còn là một căn phòng nhìn từ một phía mà như là một căn hộ được ngăn đôi, và nhìn từ hai mặt, không là một người đơn lẻ như trong NGOÀI SÁNG I là tôi, mà sẽ là 2 người, mỗi người hướng về một phía khác nhau.

Vì lần này, tôi không làm bằng chất liệu đơn giản rẻ tiền như lần tự mang mình ra thể nghiệm, mà sẽ là những chiếc hộp bằng chất liệu sơn mài, cũng như công tắc đèn không còn là nút duy mơ vặn vặn như nháp, vì xếp chồng và khít sát nhau tạo thành 4 bức tường, cho nên, nút điều chỉnh ánh sáng sẽ giống như rút rà đài radio, đặt ở phía trước. Một căn hộ ngăn ra làm 2 room với một tấm vách ở giữa, cho nên, mỗi room sẽ có một nút điều chỉnh ánh sáng riêng, để 2 người có thể xem cùng 1 lúc từ 2 phía. Nói chung là mạch dẫn điện sẽ rắc rối và phức tạp hơn, nên chi phí cũng phát sinh hơn gấp nhiều lần NGOÀI SÁNG (I)
















No comments:

Dư vị nhân gian

  Mấy nay trên Newfeed Facebook lần lượt hiện ra những bài reviews của mọi người trong về MUÔN VỊ NHÂN GIAN, bộ phim của Trần Anh Hùng đoạt...