Saturday 26 November 2022

Hoàng - Himiko Visual - Nghệ thuật đương đại Sài Gòn

 Bài viết chân dung

Tinh Hoa Việt

Nghệ sĩ Thị giác Hoàng Himiko

Hoàng - Himiko Visual - Nghệ thuật đương đại Sài Gòn

Việt Quỳnh

Là nghệ sĩ làm nghệ thuật đa phương tiện từ điêu khắc, nhiếp ảnh, sắp đặt, trình  diễn và sắp tới tập trung hơn về hội họa, nghệ sĩ Hoàng Himiko chọn cách thức cộng hưởng các ngôn ngữ nghệ thuật với nhau. Với Hoàng Himiko, không có giới hạn nào cho sự sáng tạo. Chị là nghệ sĩ có danh, tiếng, tài, gắn với thời hoàng kim của Himiko Visual cafe, khi nghệ thuật đương đại phát triển rực rỡ ở Sài Gòn những năm đầu thập niên 2000.

 Với “Sống”, sau tai nạn tưởng chừng khó qua khỏi do chấn thương sọ não, đến lúc này, ngày ngày vẫn đi điều trị, Hoàng Himiko (thêm một nghệ danh khác là Himiko Nguyễn, tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh năm 1976 tại Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng chấp nhận hòa hợp với những khó khăn cuộc đời một cách tự nhiên, làm tất cả việc như lao động chân tay thuần túy, bán hàng trực tiếp hay trên mạng, “ship” hàng để lại dồn sức cho sáng tạo nghệ thuật, và xây dựng lại không gian Himiko Visual … như một lẽ đương nhiên.

Lần đầu tiên tôi gặp Hoàng Himiko là vào cuối năm 2005, nhân một sự kiện nghệ thuật đương đại lớn tổ chức tại Tp. HCM, quy tụ các nghệ sĩ đương đại trên toàn quốc. Tôi theo đoàn nghệ sĩ Hà Nội vào. Khi tới khách sạn, thấy một nghệ sĩ mặc đồ rất bụi, dáng vẻ như nam giới, đầu trọc, đứng tựa tay vào quầy bar cười cười. Chị nhìn tôi, nói giọng Nam: “À, té ra đây là cô mà Nghĩa (Họa sĩ Tiến Trọng Nghĩa) hớt hải đi đón đây hả?”. Nói vậy thôi rồi chị quay đi trò chuyện với Nhà báo Vũ Lâm (anh bạn thân của tôi, đi cùng đoàn, khi ấy đang làm việc tại Báo Thể Thao & Văn Hóa). Chừng tối hôm sau, Nhà báo Vũ Lâm rủ tôi đến Himiko Visual café của Hoàng chơi. Lúc ấy quán khá vắng khách, Hoàng ngồi chờ với chai vang và một đĩa đồ nguội. Tiến Trọng Nghĩa bạn tôi lúi húi cưa sửa lại cái ghế, thiết kế độc đáo từ nhiều thanh gỗ rời ghép lại. Quán mới mở, được trang trí độc đáo, lạ, với nhiều bức tranh của họa sĩ treo trên tường, màu đèn vàng nhẹ u sầu, tiếng nhạc hoang hoải cứ đều đều. Hoàng nói chuyện rất ít, chỉ thi thoảng cười nhẹ một chút. Chỉ có nhà báo Vũ Lâm là rổn rảng ăm ắp chuyện, xen cả tiếng cưa và tiếng đóng đinh từ Nghĩa. Một không gian rất đậm hương Sài Gòn, như có thể giấu diếm rất nhiều nỗi buồn, uẩn ức và cả cô quạnh của các nghệ sĩ Sài Gòn thường chọn nơi đây để tới.

“Khi vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Tp. HCM, nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 9, thì tháng 11 năm 2005, tôi được một chị doanh nhân cho mượn phòng khách căn nhà 4 tầng (có lối đi riêng) để trưng bày tác phẩm của tôi và bạn bè”. Hoàng Himiko nhớ lại, kể cho tôi nghe, lúc này TP. HCM đang trong thời gian giãn cách, quán Himiko mới mở, đang bắt đầu đón khách thì phải đóng cửa, nên Hoàng có thời gian để trò chuyện với tôi về ký ức cũ mà chị vẫn còn nhớ được. “Nhưng tôi thấy như vậy cũng bất tiện vì mỗi lần bạn đồng nghiêp muốn cho ai đó xem tác phẩm thì đích thân tôi phải đến bấm chuông xin phép dẫn khách vào xem. Các gallery thì lại dành nhiều quan tâm đến các họa sĩ đã có tên tuổi, có CV dày, trong khi người trẻ mới ra trường mỗi năm được một cuộc triển lãm nhóm là nhiều, còn lại tranh tượng phải mang về xếp xó vì phòng trọ ai cũng chật. Cùng với nghĩ người Việt mình thì lại thích đi café hơn là bảo tàng và gallery, nên tôi xin phép chị doanh nhân cho  tôi thuê phòng khách với một giá tượng trưng để mở Himiko visual café. Ban đầu, tôi tự tin mở Himiko visual café bởi có sự góp mặt của nhóm bạn họa sĩ đồng môn, mọi bài trí, thiết kế, xây dựng không gian đều có sự góp sức của nhóm bạn, chi phí vận hành tôi lo nhưng với sự hỗ trợ của chị chủ không gian, con số chỉ là tượng trưng nên chuyện vận hành nằm trong sức của tôi. Đây là không gian đầu tiên và cũng là nơi duy nhất tôi không phải bù lỗ, cho đến giờ này”. Ở không gian đầu tiên này, Himiko visual café đã gây được tiếng vang, lọt vào top 10 quán café độc đáo nhất Sài Gòn năm 2006. Trong cuốn Lonely Planet (tour guide book của Châu Âu) và Skecth (tour guide book của Nhật), Himiko visual café đã được xem như là không gian nghệ thuật phá cách đầu tiên ở Sài Gòn, được đưa vào mục những điểm “bạn nên đến khi tới Việt Nam”.

2007, khi sang tham dự trái sáng tác 3 tháng ở Choengju Hàn Quốc, Hoàng được một người bạn văn nghệ ở HN muốn đổi môi trường làm việc, hứa hẹn làm quản lý cho Himiko, nên cho người bạn này mượn phòng, với hy vọng có quản lý chuyên nghiệp, Himiko visual café sẽ bước sang trang mới. Nhưng khi vừa hơn tháng, người bạn đó nhận việc làm cho một tập đoàn lớn, bỏ ngang việc quản lý Himiko cafe. Đồng thời, chị chủ nhà cũng email không báo lấy lai mặt bằng. Khi về nước, Hoàng chỉ có một tuần để đóng gói tất cả đồ đạc tại Himiko, vội vã mang đi gửi nơi khác trong khi chờ tìm một địa điểm mới.

“Lá cây rụng bít ống thoát nước, mưa tràn vào ướt hết cầu thang gỗ, chị chủ nhà không còn ở đây nữa, chỉ còn khách thuê phòng, mà phòng của tôi thì ở trên sân thượng. Chị chủ nhà lấy lại mặt bằng, khi đó ở nhà cũng không ai nói cho tôi biết, vì nghĩ nói sẽ làm tôi lo chứ không giải quyết được gì. Cho tới khi chị chủ nhà đích thân gởi email thông báo thời gian tôi buộc phải sơn sửa hoàn trả. Năn nỉ mãi tôi mới xin được một tuần sau khi về nước đó, để lo sắp xếp dọn dẹp đóng gói dời đi”.

Nơi thứ hai, Hoàng Himiko xây dựng lại quán, ở cư xá Phan Đăng Lưu. Thời gian ở đây ngắn ngủi, chỉ vừa tròn một năm, vì địa chỉ khó tìm. Dù đây là nơi mà báo đài đến ghi hình, phỏng vấn và viết bài rất nhiều, nhưng cụm từ cư xá Phạn Đăng Lưu không dịch ra tiềng Anh được, báo nước ngoài chỉ ghi vắn tắt số 5 Phan Đăng Lưu (lại là một doanh trại quân đội).. Từ nơi này, Hoàng bắt đầu tự thân xoay sở, nhóm bạn cũ thuở đầu tiên tan rã mỗi người một nơi. Nên dù cô chủ nhà vô cùng dễ thương và tạo nhiều điều kiện giúp đỡ, vì kinh phí duy trì Himiko café cạn dần, Hoàng cũng đành ngậm ngùi rời đi.

Ở nơi mới, Hoàng đã tạo dựng một hình ảnh không gian đẹp nhất với nhiều cuộc triển lãm được tố chức cho nghệ sĩ trẻ nhất.  tổ chức dự án “Tiếp Diễn” với hơn 10 cuộc triển lãm diễn ra liên tục trong một năm. Đồng thời, cũng là nơi Hoàng triển lãm “Ngoài sáng” (Come out I), “Những Giấc mơ Xưa”. Hầu hết tác phẩm trong hai triển lãm này đã được nhà sưu tập mua gồm 19 hộp đen của “Come out 1” và “Những căn hộ siêu nhỏ”, vùng với các khung cửa sổ được làm từ giấy bạc bao thuốc lá H lượm ven đường . 

Thật kì lạ với cuộc đời của Hoàng, mỗi khi đang từng bước đi lên nấc thang của thành công và danh tiếng, thì lại xuất hiện đột ngột biến cố.

Cuối tháng 7 năm 2012, trên đường cùng bạn, Hoàng bị tai nạn, chấn thương sọ não, vào viện cấp cứu, nằm thiêm thiếp liền nhiều ngày không tỉnh. Chỉ số tri giác 3/15, tiên lượng nếu Hoàng không chết thì chỉ sống đời thực vật. Vậy mà cùng những lời cầu chúc thương yêu của người thân và bạn bè khắp nơi trên mạng xã hội, sau nửa tháng, Hoàng dần tỉnh lại. Khi đã rời viện, chị học cách chấp nhận và tìm cách tồn tại, khi một phần hộp sọ ghép lại, còn yếu, với ốc gắn cùng ba vết lõm.

“Tôi xem những điều đó như  là thử thách, được số phận dành cho cơ hội trải nghiệm thực tế quý giá không thể lặp lại thêm lần nữa”. Hoàng tâm sự.

“Tôi của ngày hôm nay đã chậm lại khá nhiều so với tôi của ngày cũ, bởi biết rằng nếu mình thêm lần nữa quýnh quáng vội vàng thì sẽ không chắc qua được lần nữa.”

 Sau tai nạn, trong một lần vội vàng với lấy đồ trên nóc tủ mà không bắc ghế đứng lên, Hoàng bị nguyên cái tủ ngã đè lên. Một cánh cửa mà ai đó cất trên nóc tủ trượt xuống ghim lên trán chị, va vào mé bên sọ còn lại, và cách mắt trái vài centimet, máu phun xối xả ướt hết mặt và nửa căn phòng. Lần khác, cũng bởi chạy vội vàng về Him Lam, Hoàng bị một chị chở hai đứa con đang đeo balo lủng lẳng, móc quai vào tay lái, bị ngã giữa đường tan tầm. Cùng với di chứng liệt nửa mặt, sức khỏe của Hoàng đã không còn như ngày cũ, chưa kể chị bị thoái hóa hai đốt xương sống lưng, nên Hoàng tự nhủ càng cấn phải chậm rãi thêm, không được nóng vội nhanh lẹ nữa.

Himiko're, kho nghệ thuật (Art Warehouse) của nghệ sĩ thị giác Hoàng Himiko, thêm lần nữa lại được khởi lên từ đổ vỡ quan hệ hợp tác kinh doanh, nằm giữa hai cầu Thị Nghè, thuộc Bình Thạnh. Hoàn toàn một mình, tự tay sửa chữa, phục dựng, sơn phết mỗi ngày một chút. Hoàng sử dụng đa số chất liệu từ những đồ bỏ đi như những hộp sơn cũ, đồ gồ xưa bị hư hỏng, nứt gãy... Nơi đây vừa là kho, vừa là nơi sáng tác, vừa là một không gian trưng bày tác phẩm cùng tiếp khách của Hoàng.

 

“Himiko’re là nơi chia sẻ góc nhìn của mình, khước từ những quy chuẩn theo lề thói trường quy, nơi mà tôi dành cho những ai biết "suy tư, nhịn đói và chờ đợi." Hoàng nói. Himiko're của năm 2021, vẫn mang nặng không khí của sự chậm rãi, suy tư, ngẫm ngợi trong chờ đợi, ngược lại sự ồn ã, vội vã, náo nhiệt của phố thị Sài Gòn.

 
“Không gọi là quán, như Himiko Visual cafe, vì bản thân tôi đang còn suy nghĩ nên tiếp tục không gian xưa hay tập trung vào sự nghiệp sáng tác nghệ thuật cho mình. Để tiết kiệm, tránh lãng phí không gian, cùng với nhân lực mùa không ổn định, nên trước mắt, Himiko're là không gian nghệ thuật của riêng tôi, nơi tập trung sáng tác, thử nghiệm chất liệu mới và màu sắc mà tôi chưa từng học ở trường. Himiko're vốn được hình thành từ một bảng hiệu cũ tên Himiko'sea, (bởi hợp tác với người kinh doanh đồ biển). Do tự tay tôi làm sơn mài, bỏ đi thì tiếc, nên nảy ra ý mới, mài bỏ đi vài nét, thành Himiko're. “Re” ở đây là revive (sống lại) , recycle (tái chế), recover (phục hồi), regenerate (tái tạo)”, những gì người ta bỏ đi.

Trước mắt, Hoàng phục chế những đồ hư hỏng để làm thành những vật dụng, sản phẩm mang tính decor. Đồ nát hơn, chị làm chất liệu cho dự định sẽ làm một triển lãm chỉ chuyên điêu khắc, có kết hợp màu sắc qua ứng dụng kỹ thuật sơn mài, vốn tích lũy sau một thời gian làm phiên dịch cho chị họa sĩ người Ý học ở xưởng sơn mài của bạn cùng trường.

Lúc này, Hoàng tự nhủ vẫn tiếp tục “chơI” một mình, chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội thực hành chất liệu cho vài người trẻ muốn trải nghiệm, mà khi học vừa tốn học phí và tiền mua chất liệu để thực hành.

“Bao giờ có duyên, giống như dự án tiếp diễn (2010_2011) được thực hiện liên tục là nhờ tiền bán tác phẩm từ “Những giấc mơ xưa”, tôi tiếp tục dự án từ rác thải, từ những cánh chim hạc, kết hợp đồ gỗ xưa. Đủ kinh phí tôi sẽ thuê tiếp tầng một, thì có thể khi đó Himiko visual cafe sẽ trở lại”. Hoàng nói.”

 

 


Ảnh: Chân dung Hoàng Himiko và Himiko're hiện tại

 

 

 

 

No comments:

Dư vị nhân gian

  Mấy nay trên Newfeed Facebook lần lượt hiện ra những bài reviews của mọi người trong về MUÔN VỊ NHÂN GIAN, bộ phim của Trần Anh Hùng đoạt...