Trước giờ, tôi vốn luôn độc lập với những tổ chức triển lãm của mình. Tôi chưa thực làm việc với một curator nào một cách nghiêm túc cả. Nhất là sau việc tổ chức triển lãm cho Shinobu ( hội tụ ngày 3 tháng 10 với 200 gương mặt trần gian ), một triển lãm có uy tín nhất tại Himiko, có vai trò của cuarator, nhưng rất mờ nhạt, thì tôi cũng không mường tượng được công việc của một curator là gì. Vì, trong cuộc triển lãm của Shinobu, Curator chỉ đơn thuần viết 1 bài giới thiệu, rồi đến dự khai mạc, xong. Mọi việc, từ xúc tiến gặp gỡ nhà báo, đến PR đến tất cả các khâu, đều do Himiko lo hết...
Hồi tháng 1, khi được 1 nhà báo nước ngoài hỏi về những triển lãm sẽ xảy ra ở Himiko để viết bài giới thiệu, tôi có nói sẽ làm 1 triển lãm ảnh nude tên là ZOOM. Mong muốn của tôi lúc đó, chỉ là, thể hiện 1 loạt ảnh khác với những suy nghĩ về nude của những người mang những định kiến xung quanh mình.
Trong quá trình thực hiện, có đôi lúc tôi chệch hướng miên man, có đôi lúc tôi bị cuốn vào sự hấp dẫn của việc thương mại hóa ( đưa ra những bức đoán được sẽ nhiều người thích sao cho bán được thật nhiều ) bởi những lúc bị đồng tiền truy đuổi, có đôi lúc, tôi không biết dừng lại ở đâu trong sự tham lam muốn thể hiện của mình.
Và tôi cho anh Huy xem loạt ảnh tôi chụp trong lúc đang rối bời bởi những mâu thuẫn "gì cũng muốn" của mình. Anh ấy rất hứng thú với khoảng 1/3 số ảnh tôi đưa ra sau khi xử lý. Và nói, nếu em muốn, anh sẽ làm giám tuyển.
Đối diện với những vô lý bởi những cũ kỹ buồn cười của những người cho mình quyền áp đặt suy nghĩ lên tác phẩm người khác, mà tiếng nói của mình chỉ như một hòn sỏi rớt tỏm xuống biển, sau festival trẻ, tôi trở nên lơ ngơ, mệt mỏi. Tôi vui, khi có một người giỏi về lý luận mỹ thuật như anh Huy làm giám tuyển cho mình, tôi sẽ dễ dàng giải quyết hơn những xung đột nội tại đã có, và nhất là, vì anh ấy rất hứng thú với tác phẩm của tôi, nên mới nhận làm giám tuyển.
Công việc trở nên đơn giản hơn. Đa số những búc ảnh trưng bày trong đợt này là do anh ấy chọn. Vì nếu để 1 mình tôi, sẽ thật khó giảm tiết sự tham lam của mình để gói gọn trong một không gian nhỏ như Himiko và tạo nên một bố cục chặt chẽ cho ý tưởng.
Cái tên CLOSER đến khi tôi nói về ý tưởng mình với 1 người bạn nước ngoài, họa sĩ Ailen Ciarna. Tôi vốn dốt tiếng Anh, nên cứ nghĩa đơn giản là ZOOM cho dễ hiểu. She phân tích là từ đó nghiêng về kỹ thuật, nên chọn Closer thì hay hơn. Tôi cũng nói với anh Huy về điều này và cả hai cùng nhất trí. Trong lúc thiết kế thiệp, anh ấy cũng góp ý với tôi về cách đặt bố cục chữ sao cho có thể chơi chữ ( đặt chữ C tách ra để có thể nhìn thành LOSER... ).
CLOSER - là dự án mà tôi gần như tập trung toàn bộ sức lực vào, tâm huyết, và chuẩn bị kỹ lưỡng nhất từ trước giờ. Chỉ tiếc là, nó không thể diễn ra, nên, những công sức bỏ ra, đã không ai có thể nhìn thấy.
Thời gian qua tôi đã im lặng, không nói gì. Bởi lẽ, với tôi, mọi việc quá bất ngờ. Nói là một tổn thương nặng nề thì chắc sẽ có người cười tôi sao cứ như trẻ con. Nhưng sự thật là như vậy đấy. Trước đó, ở festival trẻ, khi tác phẩm của người khác bị kiểm duyệt vì đề tài nhạy cảm ( vi phạm thuần phong mỹ tục ), tôi đã có thể đứng lên chất vấn, nhưng đến khi là tác phẩm của chính tôi, chạm vào ngưỡng giới hạn đó, thì tôi lại chết lặng.
Tôi muốn nói cảm ơn anh Huy, và anh Sơn ( hai người cùng tôi đến sở văn hóa thông tin để xin xem xét lại nhưng không được tiếp ) đã bên cạnh tôi lúc đó. Cả hai anh đều lo sau vụ này tôi sẽ chán nản bỏ cuộc. Bởi lẽ, ít nhiều gì, hai anh đều hiểu về tôi. Cú shock tôi gặp phải, có lẽ hai anh hiểu nhiều nhất.
Tôi đã im lặng nhiều ngày. Tôi vẫn không hiểu sao lại như vậy. Nhiều người vẫn ủng hộ và nói cứ trưng bày trong không gian của mình. Nhưng, cảm giác ấy thật là khó nuốt. Tôi, trong chừng mực nào đó, vẫn luôn tôn trọng những quy định và nguyên tắc xã hội, vậy mà, lại vướng vào một nguyên nhân mình không thể nghĩ đến, và đã cố gắng tránh. Nhất là, khi gửi cho hơn 450 địa chỉ email về thông báo hủy triển lãm của mình với lý do "không phù hợp thuần phong mỹ tục", thì, sẽ có bao nhiêu người trong đó, thực sự hiểu và tự mình nhận định xem tôi có làm gì quá giới hạn và "phô" nếu không xem qua tác phẩm không? Và nhất là, với vài người thân quan trọng nhất với tôi ( cũng là những người bình thường không dính dáng gì đến art ), họ không kịp xem qua và nhìn thấy những gì tôi đã cố gắng, mà với tôi, suy nghĩ của họ quan trọng đến dường nào.
Vì sự cố đáng tiếc này, nên đã có nhiều tranh luận diễn ra bên lề. Thú thật, tôi chưa đủ sức để phục hồi sức lực của mình sau cú vấp này để lên tiếng về những suy nghĩ của mình. Thậm chí, tôi còn mệt mỏi chẳng muốn tổ chức buổi họp mặt với nghệ sĩ ngay sau ngày dự định khai mạc. Nhưng anh Huy bảo, dù không chính thức, thì CLOSER cũng đã diễn ra. Và bởi, vì anh đã nhận làm giám tuyển, thì, anh cũng không muốn mọi thứ chìm vào quên lãng một cách vô lý vậy.
Bài viết của anh Huy về CLOSER gửi cho tôi trước vài ngày khi nhận thông báo không cấp phép. Trước đó, tôi đã linh cảm thấy sự bất an nên bồn chồn và không tập trung. Vừa đọc thoáng qua, tôi đã hơi giật mình khi thấy anh đề cập đến 2 chữ "xác thịt". Tôi còn đùa, họ mà đọc bài này của anh, thì chắc sẽ không cấp phép đâu.
Lúc trước, tôi từng viết 1 entry trong blog mình về việc không thích sử dụng ngôn ngữ để thuyết minh cho tác phẩm mà vốn là thế mạnh của các nghệ sĩ phương Tây ( vấn đề này tôi và anh huy cũng mâu thuẫn ). Thật sự, lý luận không phải là thế mạnh của tôi, tôi thường chẳng mấy khi bàn về nó. Nên, xét về góc độ nào đó, tôi cùng suy nghĩ của anh Trương Thiện. Tôi cũng ít khi nói nhiều về tác phẩm của tôi, bởi, chính nó đã là một ngôn ngữ có thể tiếp cận với tất cả mọi người tốt hơn cả lời tôi nói ( chẳng hạn như với mấy ngưới nước ngoài, tôi đâu có nói chuyện với họ được ). Nhưng, ở đây, anh Huy, với tư cách là một giám tuyển, thì, bài viết của anh ấy hoàn toàn không "đi quá vai trò đứng đắn của một giám tuyển" như anh Trương Thiện nói. Khoan hãy bàn về nội dung bài viết nhé ( chậc, cũng rất khó cho người có giới hạn về lý luận Mỹ Thuật như tôi ), tôi chỉ nói đến vai trò của một giám tuyển mà anh đề cập thôi. Trong buổi meeting 23.4, tôi có nói về vấn đề này. Quan điểm của tôi là, nghệ sĩ ( ít ra là tôi ) thiên về tình cảm, thì giám tuyển như là lý trí của tôi vậy. Mâu thuẫn không phải là không có, nhưng giám tuyển giúp tôi tiết chế bớt những hứng khởi thừa thãi. Và, giám tuyển cũng là một người cảm nhận nó theo góc độ suy nghĩ của anh.
Có thể, tôi chưa đủ kiến thức về lý luận mỹ thuật cũng như kinh nghiệm ( về xác thịt chẳng hạn ) để có thể hiểu thấu đáo hết những gì anh nghĩ và viết ra, nhưng không vì vậy mà tôi phủ nhận. Tôi hoàn toàn không biết về Bancon cũng như những dẫn chứng anh nêu ra trong bài viết. Thoạt đầu khi đọc, tôi giật mình bởi những từ ngữ như ve vuốt, mơn khoái… Thật tình, bản thân tôi cũng chưa chuẩn bị hết tinh thần để nghe những từ như vậy về tác phẩm mình, nhưng, khi đọc đến đoạn:
“ Tất cả các mảnh lẻ ấy đều được phủ lên trên một thứ ánh sáng đỏ thẳng căng và đều bị nhìn gần đến mức mọi cơ chế thừơng ràng buộc con người như dáng vẻ, nét mặt hay động tác đều bị loại thải hoặc xóa nhòa hết để rốt cục, chỉ còn lại một miền đất tự do vô giới hạn của các thể dạng, cùng lúc, vừa đủ cụ thể để khuấy gợi bừng lên các cảm xúc xác thịt có tính chức năng, vừa đủ mơ hồ để - ngay khi các cảm giác cụ thể và chức năng ấy vừa chạm tới ngưỡng trần tục - sẽ bị vặn chệch lập tức sang khu vực của trí tưởng tượng vô tận, được dựng nên bằng các mảnh giả thiết đa chiều của ánh sáng, bố cục, đường nét và mầu sắc …”
thì tôi hiểu, điều anh nói vượt qua cả những từ ngữ tưởng chừng chỉ xoáy sâu vào xác thịt ấy. Có thể, ngay cả bản thân tôi cũng không dám nói là thực sự hiểu hết những d6ãn chứng trong bài viết của anh, nhưng, tôi tin tưởng và tôn trọng anh ở vai trò giám tuyển, cũng như hoàn toàn không có suy nghĩ rằng,
“ còn nếu trong trường hợp nó bay khỏi nội dung đầu tiên của nó, thì sự ko muốn kiểm soát ấy phải là do tác giả khẳng định”. ( Lời bạn Hoahero )
Chính bạn cũng thừa nhận, tác phẩm có ngôn ngữ của nó, thì tại sao, tôi phải khẳng định nội dung đầu tiên của nó? Bản thân bài viết cũng ghi rõ là của Như Huy giới thiệu, chứ đâu bảo là anh ấy cất tiếng nói giùm tác phẩm tôi đâu? Đó chẳng phải là cảm nhận của anh đó sao? Dù, anh Huy nói hay hơn tôi nói ( vậy nên tôi mới nhờ anh làm giám tuyển, người có khả năng lý luận, giới thiệu và cả bảo vệ nghệ sĩ, chứ anh cũng im lặng trước tác phẩm của nghệ sĩ, thì thử hỏi, vai trò của giám tuyển là gì? ), nhưng, dù là nói cách gì, thì anh cũng hoàn toàn có quyền tuyên ngôn như cái cách anh suy nghĩ. Những người bạn tôi cũng từng nói, khi đưa tác phẩm của mình ra, phải chấp nhận mọi người nhìn nó dưới mọi góc cạnh, chính vì sự tương tác đó, tác phẩm sẽ lớn lên, trở nên phong phú, hay sẽ bị lãng quên.
Thật tình, khi triển lãm không được cấp phép, tôi như bước hụt một bước và trở nên lơ ngơ. Tôi đã không đưa bài viết của anh Huy ra một phần vì trên công bố triển lãm đã không diễn ra, một phần vì lo ngại ai đó không đọc kỹ càng thì dễ hiểu theo hướng của những người cấm đoán. Bài viết anh Huy thật tình khó đọc, không dành cho những người không am hiểu nhiều về lý luận cũng như lịch sử Mỹ thuật ( có tôi ). Bởi vậy, tôi đã không post lên blog mình, một phần cũng vì bài viết đã được anh giới thiệu trên talawas ( nơi toàn những người quan tâm và am hiểu về nghệ thuật ).
Tôi không hiểu câu cuối cùng bạn Hoahero nói “nhưng việc ko xin được giấy phép rồi lại bị om xòm lên..muốn thương cũng thật khó tìm được lí do.” ( xin lỗi, bắt giò chính tả bạn chỗ này, là om sòm, bạn ạ. ) là nghĩa làm sao?. Tôi đã im hơi lặng tiếng và tránh những gay gắt như tôi đã từng làm trong giai đoạn festival trẻ ( lên tiếng cho người khác dù sao cũng dễ hơn mình ). Việc không om sòm đã là thất bại của tôi đó chứ. Heheh, vì nếu muốn lặng lẽ, thì tôi đã ko xin phép như nhiều người nói. Nhưng vì tôi muốn om sòm trên các phương tiện thông tin ( ti vi, báo chí ) cho nhiều người quan tâm đến, để rốt cuộc, bị cắt xoẹt, mọi chuẩn bị lọt thỏm vào im lặng, hủy tất cả, vậy là om sòm ư, bạn? Mục đích của tôi đâu phải là kêu gọi tình thương ? Tôi chỉ muốn công bố sức lao động của mình. Và với tư cách của một giám tuyển, anh Huy cũng không muốn công sức của hai anh em chìm ngỉm, nên đã chọn cách giới thiệu trên talawas. Tôi cân bằng lại được vì đã không một mình trong dự án này, cũng như, cảm ơn anh Huy đã giới thiệu CLOSER đến với mọi người trong lúc tôi kiệt sức mệt mỏi. Và, dù không chính thức được công khai kiểu danh chính ngôn thuận, nhưng đã nhiều người tìm đến xem và ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình ( nhiều nhất trong các cuộc triển lãm chính thức từ trước đến giờ ở Himiko ). Ai cũng có cách hiểu và cảm nhận riêng, tôi cảm thấy vui vì điều đó.
Tôi nghĩ, có vẻ chỉ là hiểu lầm. Cho phép tôi gởi lời cảm ơn đến anh Trương Thiện và Hoahero đã nhiệt tình lên tiếng về CLOSER. Tôi chỉ thấy, chúng ta, mỗi người nhìn và nói lên từ những góc độ khác nhau. Có thể phê bình nhau nhưng hãy đừng chất vấn vai trò giám tuyển có đúng đắn không ( xét riêng về tôi, anh Huy vì hứng thú với tác phẩm mà làm nhận việc này, hoàn toàn không có chút tư lợi cá nhân nào cả ). Tôi cũng cảm thấy mình gần với anh Trương Thiện và chị Hoahero ở điểm, để cho tác phẩm tự lên tiếng, nhưng đó là khi tôi làm việc 1 mình, tự mình. Còn trong dự án CLOSER này với vai trò giám tuyển ( tôi sẽ còn tiếp tục và vẫn mong anh Huy còn hứng thú làm việc tiếp ), việc giới thiệu của anh Huy là hết sức cần thiết cho nghệ sĩ ( là tôi ).
Đó là lời chính thức với tư cách tác giả tôi nói lên suy nghĩ của mình.
( có vài bạn nói không hiểu sao có entry này xin vui lòng click vào đường links này xem cuộc đối thoại bên blog anh Huy ( giám tuyển CLOSER ). )
http://blog.360.yahoo.com/blog-b5YmNIU5br_IfES.c2I-?cq=1&p=726#comments
P/S : Cảm ơn chị Trang Hạ đã đưa đường links triển lãm ảnh CLOSER trên talawas vào homepage ( 3 ngày ).
Cảm ơn các bạn trên blog đã đến và viết về CLOSER ( ai có viết mà tôi không biết thì cho xin đường links nhé )
Cảm ơn mọi người đã đến xem và ghi lại cảm nhận của mình.
( Hic, vẫn còn mệt, nên viết có vẻ lủng củng quá. Mọi người thông cảm nhé ).
15 comments:
@anh Huy và Himiko: bình thường thì mọi người vẫn giới thiệu về những nghệ sỹ khác có nét tương đồng với em để em tham khảo. Em nghĩ là em chỉ giới thiệu vậy thôi, ko có ý gì cả. Xem cho biết.
Ừ, Linh vừa gửi cho ( linh2310 : tac fam cua chi giong het anh i,
moi toi cua chi la anh ), vừa mới xem. Nhưng tôi không nhìn thấy mình trong đó. :) . Sao anh?
Hùng à, anh đoán là em gửi đường link cho Hoàng để Hoàng thấy sự tương đồng nào đó giữa mầu đỏ trong hai dạng thực hành của Kim Hoàng và Phạm NgọcDương. Chưa kể đến việc ở đây tồn tại rất nhiều yếu tố khác hẳn nhau - về mặt mô hình thực hành, là nhiếp ảnh và hội họa ( mang theo hai triết lý cực kỳ trái nghịch/ Walter Benjamin trong bài viết nghệ thuật của kỷ nguyên tái sản máy móc ( the artwork in the age of mechanical reproduction từ những năm đầu thế kỷ đã phân tích rất rõ) về mặt chủ đề, là hai subject khác hẳn nhau, các mảnh thân thể người mẫu ( với Hoàng là sự trộn lẫn của xác thịt và nghệ thuật,như đã được anh phân tích vắn tắt trong bài viết, với Dương, là những cú nhìn gần để tạo hiệu quả thị giác thuần tuý, anh không thấy yếu tố xác thịt, pornographic, trong các thực hành của Dương - ở đây, anh cho rằng nếu em có ý phê phán ( có không nhỉ ?) về sự tương tự của thực hành của Hoàng với của Dương thì sự phê phán đó hoàn toàn không hợp lý. Như chúng ta đã biết, một trong những đặc trưng lớn nhất của nghệ thuật đương đại, đó là việc nó đã thêm vào tác phẩm hai yếu tố quan trọng, nghệ sỹ, và văn cảnh tác phẩm. Nói cách khác, nếu với một tác phẩm hiện đại, mối liên hệ của nó với nghệ sỹ gần như bằng zero và chỉ ở khía cạnh nghệ sỹ là kẻ tạo ra tác phẩm, trút hết tinh hoa vào tác phẩm và sau đó, tác phẩm mang nhiệm vụ đại diện cho ( thậm chí cả nhân cách ) nghệ sỹ, và mối liên hệ giữa tác phẩm với văn cảnh chỉ ở việc,văn cảnh cho các tác phẩm chỉ là những bức tường treo tác phẩm mà thôi, tường ở New York, Paris hay London thì cũng chả khác gì nhau, chỉ đơn thuần là các white box, hoặc một tác phẩm vẽ 1 cô gái lập thể hay 1 bình hoa đỏ Picasso hay Matisse thì bầy ở đâu cũng xong, nhà thờ hồi giáo hay nhà thờ thiên chúa giáo cũng rứa, thì với 1 tác phẩm đương đại, yếu tố văn cảnh và nghệ sỹ vô cùng quan trọng, ta thử tưởng tượng đến cảnh tác phẩm, ví dụ của Serano, là một tấm hình chúa được nhúng vào nước đái, nếu bầy trong nhà thờ Hồi giáo và Thiên chúa giáo hẳn sẽ tạo ra hai phản ứng trái ngược hoàn toàn. hoặc một tác phẩm trình diện như kiểu Balkan Baroque của Marina Abramovich, nếu nghệ sỹ không phải là người Nam tư cũ, bị đớn đau vì cuộc xung đột và những cái chết phi lý của chính đồng bào mình, thì rõ ràng tác phẩm sẽ giảm đi nhiều sức mạnh, Hoặc nếu cũng chính tác phẩm trình diễn ấy, lại được 1 nghệ sỹ Mỹ thực hiện thì sẽ khác hẳn.
Nói cách khác, với nghệ thuật đương dại, sự tương tự về hình thức ( một cách nào đó ), giữa bề mặt các tác phẩm đã không còn là một điều gì như thể trọng tội theo kiểu hiện đại nữa, mà vấn để quan trọng giờ đây lạ nằm nhiều ở tư duy của nghệ sỹ khi làm tác phẩm, văn cảnh nơi tác phẩm được bầy. Chính những điều này mới quyết định lõi cốt của mọi thực hành đương đại ( đây cũng chính là điều anh cho rằng, Trương Thiện, trong 1 comment ở blog của anh, khi đòi hỏi 1 bông hoa đẹp chỉ cần là 1 bông hoa đẹp, cũng đã chưa ý thức được ). Trở lại hai thực hành của Kim Hoàng và Phạm Ngọc Dương, từ quan niệm được anh vừa trình bầy trên, nếu ta không chỉ nhìn vào bề mặt tác phẩm ( mà quả có lẽ yếu tố tương tự nhiều nhất ở đây là mầu đỏ mà thôi ), mà còn đòi hỏi them statement của 2 nghệ sỹ, cũng như đòi hỏi biết them về quá trình thực hiện và địa điểm trưng bầy cũng như những biến cố khác nhau mà hai dạng tác phẩm đã gặp phải ( ví dụ như với Hoàng là việc bị sở văn hóa TP HCM không cho treo, còn với Dương thì anh không biết ), ta hẳn sẽ có thêm nhiều câu chuyện khác. Lại nữa, nhìn từ góc độ của các công chúng, nếu trong thời buổi hiện tại, họ bỏ qua hai yếu tố nghệ sỹ và văn cảnh - chỉ để thuần tuý quan tâm đến yếu tố bề mặt ( như kiểu bong hoa nên chỉ là bông hoa ), anh cho rằng họ đã bỏ phí hẳn đi 1 cơ hội để làm giầu cho thị năng, tâm hồn và trí tuệ của mình
Thêm 1 ví dụ vui thôi nhé, nếu ta dùng cách nhìn chỉ quán chiếu vào bề mặt này mà thôi, anh cho rằng sẽ có rất nhiều người lại thấy sự tương đồng rất rõ ràng dự án máy bay của Bradford và em với dự án Bat project của Hoang Yong Ping, đã làm trước bọn em từ rất lâu, chưa kể là thậm chí dự án này của Huang Yong Ping, ngay cả về mặt ý niệm, cũng có quá nhiều nét tương đồng với dự án của Bradford và em , đó là việc bình luận về mối quan hệ ( của Huang Yong Ping là giữa Trung Hoa và Mỹ , còn với Bradford và em là giữa Việt Nam và Mỹ ). Tham khảo link này nhé:
http://www.bigredandshiny.com/cgi-bin/retrieve.pl?issue=issue42§ion=column&article=HUANG_YONG_PING_23161044
Lẽ dĩ nhiên nếu em chỉ đưa Link của PN Dương để tham khảo thì k có vấn đề gì, nhưng nếu có ý phê phán, thì xin tham khảo thêm ý kiến trên của anh nhé. Dù sao, anh cho rằng các cuộc trao đổi thế này “ cực kỳ có ích” cho công chúng. Chẳng phải trada cũng nhằm mục đích khơi lên những cuộc tranh lụân như thế này sao ? Hy vọng khi nào có thời gian, tra sẽ trao đổi sâu thêm về các chủ đề này ở bên trada. Chúc em vui !
Hùng à, công nhận là, đúng như nhận xét trước của em, kích thước comment của anh cũng có nét tương đồng với... thân hình anh nhỉ :=)
Anh Huy à! Em đồng ý với anh trên quan điểm nghệ thuật đương đại có thể có những điểm chung về hình thức. Nhiều, rất nhiều tác phẩm đã sử dụng chung một chất liệu, một hình tượng, hoặc sử dụng lại tác phẩm trước đó để nói nhiều ý nghĩa khác. Em cũng gặp vô số người nói đại loại thế này: “lại thịt nữa, đã có người dùng thịt rồi mà”. Nếu em bắt đầu cố gắng giải thích rằng hai thịt này rất chi là khác nhau thì bị choảng lại ngay, nói bỗ bã thế, để nói rằng nhận thức về nghệ thuật “đương đại” cũng khác nhau lắm. Ví dụ, rất nhiều người hiểu từ “đương đại” theo nhiều cách, và có thể phải có một quyển từ điển nhỏ về cách hiểu từ này.
Điều em đặt ngược lại về, như “bông hoa nhỏ” đó không chỉ là giữ nguyên hình ảnh và nội dung ban đầu của nó, mà là như cái ông chống diễn giải gì đó nói, em có thể tạm hiểu là, nếu không áp cho sự vật nào một ẩn dụ khác hơn thì cũng đừng làm sai lạc ý nghĩa của nó. (nếu sai lạc là có chủ ý thì khác). Anh thấy đấy, cũng như anh nói, văn cảnh của một từ được thốt ra, trong thời điểm và hoàn cảnh đó sẽ mang ý nghĩa của riêng nó trong thời điểm đó. Văn cảnh của thịt là thịt để ăn trong nhà hàng khác với ở nhà, khác với thịt trưng bày, khác với thịt rơi ngoài đường quá nhỉ?
Em nghĩ vấn đề của chúng ta không phải ở xung đột của các quan điểm về một sự vật, hay một hiện tượng, mà là cách chúng ta tiếp cận với các quan điểm. Có một lỗ hổng lớn về tri thức, cộng với tri thức vụn vặt, vay mượn, nhưng lỗ hổng đó có là vấn đề không?. Như Himiko nói, người Việt chúng ta không quen với việc cày xới từ sách vở như người Do Thái (do người Do Thái không có đất), không quen với tư duy logic và bám víu triết học như người Âu Châu, không quen với tư duy thẳng tiến như người Trung Hoa và người Nhật. Chúng ta có ưu điểm tưởng như là nhược điểm, đó là tính chủ quan, cá nhân và tự tôn. (suy luận theo cảm tính chẳng hạn).
Câu trả lời cho những bàn luận của anh và Hung6776: “khi nào chúng ta tự tin khi nói rằng, người Việt không thích làm việc theo nhóm?”
Cám ơn anh, Georgia O'keeffe cũng là họa sỹ em thích, cũng có cái nhìn tự như phóng đại, hoặc sâu bên trong như Hoàng Himiko, em cũng bận quá, sẽ nói chuyện cùng anh sau.
Trương Thiện, anh cũng đồng ý với em về ý thứ nhất của em. Anh nghĩ đây là điểm anh em mình đã từng trao đổi với nhau rất nhiều, anh cũng đã từng đề cập tới điểm này trên một số diễn đàn khác, nên có lẽ không cần bàn cãi nữa.
Về ý của em về bông hoa, bây giờ anh nghĩ có lẽ anh đã hiểu phần nào. Thật ra thì, anh chỉ muốn nói rằng, mơ ước về “ bông hoa chỉ là bông hoa” là một mơ ước chính đáng và trong nhiều trường hợp - rất nên mơ ước như thế. Song hình như chúng ta đang sống trong một thời gian mà bông hoa không thể tự nhiên là bông hoa, nếu người ta không lao động, phá chấp, giải hoặc vv và vv để đạt tới nó. Và cũng chỉ đạt tới cho bản thân người ta mà thôi. ( lẽ dĩ nhiên , với người này bông hoa là bông hoa, với người khác, bông hoa là cái nụ, với người khác, bông hoa là trái, với người khác nữa, bông hoa lại là khuôn mặt của người yêu họ, với người khác nữa ( như với nữ nghệ sỹ ),bông họa lại là cái âm hộ…etc )
Nói cách khác, thời buổi này, do nhiều lý do [ mà một trong những lý do đã được em, bằng thao tác nghệ thuật, lý giải khá hay trong lọat tranh emptiness ( hay là hollow nhỉ ?) của em khi theo anh hiểu, em đã nhìn thấy sự rổng nghĩa của sự vật trong thời hiện tại, một sự rỗng để mặc cho mọi người tự lấp vào đó các ý nghĩa khác nhau ], đã không thể còn có một bông hoa chung cho tất cả chúng ta được nữa.
Trong ý kiến của em, khi em nói " đừng làm cho sự vật sai lạc đi" – phải chăng em hàm ý rằng - sự vật có 1 chuẩn " chung " - ai cũng phải chấp nhận ?, và đừng ai làm cho chuẩn ấy bị sai. Còn nếu không thế - thì em lại rơi vào trường hợp – cho rằng : sự vật đó " sai lạc khỏi " chuẩn của em " mà thôi, song nếu vậy, em - trong vai trò chỉ là 1 kẻ có một hệ chuẩn riêng, ngang quyền với nhiều kẻ khác cũng có các hệ thống chuẩn riêng của họ, thì em lấy quyền gì mà bắt người ta “ đừng làm cho vật “ sai lạc đi”
Để tồn tại trong một xã hội nhiều chuẩn, anh nghĩ rằng, ta phải chấp nhận các chuẩn khác Việc đấu tranh cho chuẩn chúng ta là nhất. hay tìm cách bần hóa chuẩn của kẻ khác đều là những thái độ tiêu cực Giải pháp anh cho là hợp lý ( riêng anh thấy hợp lý thôi nhé, chả thuyết phục ai đâu ). Đó là, lắng nghe, mở lòng ra với các chuẩn khác, và từ đó, biến chuẩn khác thành những nguồn mạch tiếp nối, để ta gá thêm chuẩn của chúng ta vào, hay nếu chuẩn của ta quá khác với các chuẩn khác và chả có điểm chung nào hết - thì cái chuẩn khác của người khác ấy, ít ra cũng sẽ cung cấp thêm 1 chiều kích khác nữa làm cho bản thân sự vật thêm sâu sắc hơn.
Và nếu như nếu ta chấp nhận sống chung với tình trạng 1 -sự-vật-nhiều-chuẩn ( mà phải chấp nhận thôi, nếu không thì làm nghệ thuật đương đại làm gì, và nhất là, sống làm sao được ? ), thì cái ta quan sát, đã không còn là bản thân sự vật đơn thuần nữa, mà sẽ là sự vật “trong mối tương quan” với các chuẩn khác nhau - như thế, một hình ảnh mới về sự vật sẽ hiện ra, không phải như một vật thể biệt lập, mà như một lý do, nguyên cớ, cho vô số chiều nhìn khác nhau vào nó.
Về mệnh đề cuối của em, nói thật, anh không muốn nói người Việt thế này thế nọ, anh chỉ muốn nói - một trong những cội nguồn phát sinh ra các thực hành đương đại chính là khi con người, khi thực hành nghệ thuật, vượt qua nhu cầu ngắm nhìn, nẩy sinh nhu cầu suy nghĩ, và học được cách suy nghĩ, cách đọc sự vật không ( chỉ ) ở chiều kích bề mặt. Chính cái điểm này sẽ giúp nghệ thật đương đại - bởi có thêm chiều kích phản tư, và luôn đi xa hơn bề mặt - dù luôn có thiên hướng chính trị và xã hội( và bởi vậy, luôn có nguy cơ rơi vào các phát ngôn 1 chiều theo kiểu nghệ thuật cổ động - dù là cổ động cho cái gì, cho cộng sản, cho tư bản, cho kinh tế thị trường, cho tự do, cho tình yêu, cho sex..etc - cũng sẽ thoát khỏi thân phận 1 cái loa rè, để trở nên 1 bộ máy thức tỉnh, trước hết là thức tỉnh bản thân nghệ sỹ, sau đó là cộng đồng xung quanh về những khả năng và chiều kích “khác hơn” và sự nguy hiểm của mọi khẳng định và kết luận một chiều.
Nhìn từ góc độ này, anh cho là, khác với các nghệ sỹ Âu Mỹ, thậm chí có thể coi nghệ thuật là 1 trò chơi công cộng ( mà cũng không hẳn thế đâu, chỉ do là họ có nhu cầu riêng phát xuất từ văn cảnh xã hội của họ, cho nên họ thực hành dạng nghệ thuật kiểu đấy ) - nếu nghệ sỹ ở các khu vực ngoại biên có hòan cảnh đoặc biệt như Việt Nam không trở nên những kẻ tư duy, kẻ đọc ( với kỹ năng và trách nhiệm được rèn luyện một cách có ý thức và luôn độc lập ) - thi sẽ lập tức rơi vào diễn ngôn của các hệ thống quan liêu. Em nên nhớ rằng, mọi hệ thống quan liêu như ở VN không bao giờ e ngại nghệ thuật đương đại chung chung vô thưởng vô phạt, trong chừng mực nào đó, nó còn promote dạng nghệ thuật đương đại đó, với mục đích đánh bóng bề mặt của nó, cái mà nó e ngaị - đó là những con người có nhu cầu tư duy - và biết tư duy. Và theo kinh nghiệm của anh, trong trường hợp này, ở Việt Nam, nó chả phải lo lắng mấy đâu.
Và như thế ở đây, không như Hung6776 viết trong 1 comment ở bên blog anh, rằng Hùng 6776 “không có cái lo toan cho tình trạng nghệ thuật của cả nước hay cả một khu vực như bác, em cũng ko thấy có gì là "nguy hiểm" như bác nói”, mà vấn đề ở đây là việc, không phải mang tầm vĩ mô hay ảo tưởng gì, mà cái lo toan nói trên chính là lo toan ngay cho tình hình nghễ thuật của bản thân nghệ sỹ chúng ta.
Chẳng phải, trong vai trò là một con người tư duy, nếu anh không mài sắc tư duy của anh, mà tư duy của anh chỉ hoạt động trong ( và tương tác với ) một không gian cụ thể nơi anh tồn tại, và vì thể, muốn mài sắc, anh bắt buộc phải có những nhận thức về cái không gian anh sống, và rồi xa hơn, là cái không gian xa hơn không gian anh sống, với các vấn đề cụ thể của chúng, nhất là khi anh lại quan niệm anh là nghệ thuật theo chủ nghĩa cá nhân
( hiểu đơn giản, tức là bắt đầu chỉ từ các trải nghiệm bản thân mà thôi ) – nếu giả dụ như vậy, vậy chứ cái cá nhân – như một nguồn mạch để anh phóng chiếu nghệ thuật anh ra ngoài sẽ là những gì ? rồi thì liệu ta sẽ có hy vọng gì từ những thứ gọi là “nghệ thuật đương đại” bắt nguồn từ cái cá nhân “ hoàn toàn mũ ni che tai “ ấy ? phải chăng chúng sẽ chỉ là một đống lỏang xỏang mà ích lợi duy nhất nằm ở sự chói mắt ???
Về ý cuối cùng của em: Câu trả lời cho những bàn luận của anh và Hung6776: “khi nào chúng ta tự tin khi nói rằng, người Việt không thích làm việc theo nhóm?” – anh không hiểu em muốn nói gì cho nên không bình luận được.
Trương Thiện này, đáng lẽ, anh đã dừng trò chuyện ( như ở bên blog anh đã nói ), song đây là blog của Hoàng, vả lại, anh thấy ở đây các câu hỏi và bình luận của em có đôi chút thông tin, cho nên anh đã trao đổi tiếp. Nhưng phải nói thật, bởi lúc này anh đang rất bận , nên có lẽ đây sẽ là trao đổi cuối với em về các chủ đề xoay quanh cuộc triển lãm Kim Hoàng và bài viết của anh. Chúc em vui và làm việc ok :=))
Chú thích: Trương Thiện à, ở phần hai của comment của anh, đọan " với người khác nữa ( như với nữ nghệ sỹ ),bông họa lại là cái âm hộ…etc ), sau chữ nữ nghệ sỹ, anh đã đánh máy thiếu tên của bà. Anh thêm vào ở đây nhé. Tên của nữ nghệ sỹ đó là: Georgia O'keeffe, người Mỹ, với các bức tranh chỉ chuyên vẽ hoa, song sau này, các bông hoa đó, đã được các nhà lý thuyết nữ quyền đọc như thể những ẩn du cho những thông điệp nữ quyền khác nhau , một trong số ẩn dụ là hình ảnh âm hộ
Để tạm trả lời cho ý cuối của em, em dán cai blast này của Hoahero "Nguoi Viet chua bao gio biet lam viec theo nhom can phai nhu the nao!Qua tu tin, ca nhan va han hep.Hay hoi tai sao dat nuoc ta chua co cong trinh nao lon?!"
@Trương Thiện: Trước đây anh cũng đã nghe thấy cái câu này, nhưng quả thật cứ tưởng ấy là trích lời mắng của quan tây với phu lao động bản xứ, nay được em dẫn, mới biết là của Hoahero :=))
P/S: Này đừng giận nhớ, anh nói đùa đấy!!!
that la thich comment!^^
Post a Comment