Monday 26 May 2008

"Ngân hàng ân huệ"

Có một lần nào đó, đọc quyển O Zahir ( Nỗi ám ảnh ) của Paulo Coelho, đọc thấy cụm từ "ngân hàng ân huệ".
Đại khái là, khi tham gia vào hệ thống đó, người ta sẽ giúp ai đó khi có thể hoặc có thể nhờ ai đó khi khó khăn. Những ai không tôn trọng luật chơi, đã nhận sự giúp đỡ từ người này nhưng lại không giúp lại kẻ khác khi người ta cần đến, thì sẽ bị loại bỏ khỏi hệ thống đó. Mà như thế, hậu quả sẽ rất nặng nề, như một kẻ bị tách biệt khỏi xã hội, đơn độc một mình khi gặp hiểm nguy...
Không nhớ rõ lắm. Nhưng nghĩ nhiều về cụm từ "ngân hàng ân huệ" đó. Nó hay ở chỗ, không phải là sự vay trả trả vay trực tiếp, mà là một sự xoay vần, theo kiểu nôm na người ta thường nói, giúp người rồi người khác sẽ giúp mình, chứ không phải mong chờ sự báo ân trực tiếp.
Có ai sống mà có thể tuyên bố rằng sẽ chẳng bao giờ cần ai? Có ai mà không có lúc rơi vào tuyệt lộ cần một bàn tay nắm chặt. Sự chia sẻ, về bất cứ điều gì, cả về tinh thần lẫn tiền bạc, đều cần thiết với bất kỳ ai, một lúc nào đó.
Khi còn nhỏ, tôi luôn nghĩ, chia sẻ về tình cảm và tinh thần mới là điều quan trọng nhất. Một bờ vai, một cái siết tay thật chặt, một sự im lặng lắng nghe kề bên, không gì, không gì có thể đánh đổi được. Nói chung, nói về sự chia sẻ tinh thần, là điều nói hoài không hết.
Còn tiển bạc?
Tôi từng có một quan niệm không đúng đắn về đồng tiền. Bởi từ cái suy nghĩ lệch lạc, đồng tiền chỉ là rác, xấu xa. Từ nhỏ, gần như ít khi nào được cầm trong tay đồng tiền, gần như không có mặt trong bất kỳ một buổi tiệc hay cuộc vui nào của bạn bè mà có liên quan đến tiền (vì đơn giản tôi ko có 1 xu nào trong túi) như sinh nhật, ăn hàng..., tôi gần như đoạn tuyệt sự phụ thuộc vào nó ( Còn nhớ có lần, má đưa tiền đóng tiền học phí cả năm học, đâu chừng bốn mươi ngàn, tôi đã đứng trước gương, xòe xấp tiền ra, nhếch mép cười đểu ( kiểu đóng phim ) và vứt bay tung tóe . Đến khi lượm lại, thiếu 1 tờ, phải đổ mồ hôi bò mọp xuống sàn để tìm ). Năm 18 tuổi lên Sài Gòn, làm thêm việc giữ xe ở trung tâm vi tính đối diện trường Bùi Thị Xuân, mỗi tháng sinh hoạt gói ghém trong 300.000, nửa tháng ăn toàn mì tôm, có khi đói meo mốc ở ký túc xá, phải nhịn bữa trưa, vậy mà, cái tính tự ái và khinh bạc đồng tiền vẫn ăn sâu vào trong máu. Nhớ có lần, đang nằm trên giường ngủ trưa quên đói, nhỏ bạn học bên kiến trúc đến tìm, rủ xuống căng-tin ăn trưa với nó, bụng đói meo mà vẫn giả vờ nói ăn rồi. Nó phải năn nỉ mãi bảo ăn với nó cho vui, nên miễn cưỡng ăn. Lúc đó, không làm sao có thể thốt ra với nó rằng mình đói ( phải thật lâu sau này, khi không còn phải lo lắng chuyện ăn uống hàng ngày, mới có thể nói với nó rằng mình nhớ mãi bữa cơm hôm đó ). Cái tính tự ái cao không thể bỏ với cả người trong gia đình. Ít khi ngửa tay xin ai cái gì, và chỉ nhận, khi cách cho của người đó không chạm đến lòng kiêu hãnh. Được ông anh cho đi học lớp tiếng Nhật đến bằng B, thi đậu đợt tuyển phiên dịch cho nghiệp đoàn may mặc ở Nhật mà cũng thờ ơ với cơ hội đó. Vì người ta đòi phải thế chấp nhà cửa, tiền bạc, mà bản thân không có xu nào, cũng nhất quyết không hạ mình xuống năn nỉ anh chị cho mượn giấy tờ nhà thế chấp. Với tính khí cứng đầu cố hữu, chẳng hứa hẹn với ai điều gì, nên cũng chẳng ai dám giao nhà cửa để bảo lãnh cho tôi. Thế là tôi kệ, không đi cũng không sao. Không đóng một đồng xu nào, và nói với công ty xuất khẩu lao động đó rằng, tốn tiền thì sẽ không đi. Rốt cuộc, vì quá cần người mà họ nhượng bộ, tôi lên đường sang Nhật trong cảm giác bất ngờ ( nhưng không biết rằng, chính vì không đóng tiền, không ký kết bất cứ một điều khoản nào, mà sau đó khi họ cắt mất khoản lương phiên dịch đã hứa, tôi cũng không thể kiện ). Sang đến Nhật, tôi cũng không đặt tiêu chí kiếm tiền lên hàng đầu như những tu nghiệp sinh khác, vẫn không ki bo chắt bóp dành dụm từng đồng như họ, mà dùng để mua máy quay phim, chụp hình, gửi về cho bạn bè mượn. Thậm chí, đến khi bị cắt lương phiên dịch ( vì nghiệp đoàn gồm có 8 xí nghiệp, mỗi xí nghiệp ở cách xa nhau vài tiếng xe hơi, ông giám đốc xí nghiệp tôi làm lười chở tôi đi dịch cho công ty khác, nên họ nổi giận cắt luôn khoản lương đó ), tôi vẫn vui vẻ ở lại làm việc như một người thợ may bình thường ( và dịch không công cho ông chủ ), không thèm kiện cáo gì dù có anh bạn người Nhật làm báo ở tỉnh khác bảo sẽ giúp tôi đưa vụ này ra. Mãi cho đến khi, những hiểu lầm phát sinh, bị đối xử tệ, tôi mới tự ái dân tộc mà bỏ về. Đi Nhật 1 năm, số tiền mang về lúc đó chỉ vỏn vẹn 1500 USD.
Đó là năm tiển tệ Châu Á bị biến động, tiền Yên bị rớt giá thảm hại. Vậy mà, tôi cũng không quan tâm như những người khác đi làm cùng mình, thờ ơ với mọi thứ. Trở về, nghe lời rủ rê của một người bạn, tôi mới mở 1 tiệm chụp hình, hùn vốn 3 người ( nhưng 2 người kia chỉ hùn miệng, tôi phải đứng ra vay mượn chị để ứng trước ). Mượn 30 triệu, cộng với số tiền mang về, mở tiệm chụp hình mất 60 triệu (5 triệu/cây vàng thời điểm này), chỉ trong vòng 3 tháng, dẹp tiệm. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới biết cảm giác cay đắng nhục nhã do đồng tiền mang đến, vì 2 người kia chưa bỏ vào đồng nào, tôi phải mang số nợ 30 triệu. Bị chì chiết mỉa mai, bị la đủ thứ, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi mới nhận ra rằng, tôi thà chọn sự đau khổ về mặt tinh thần, vì dù sao, nó cũng rất là thanh cao, tôi có thể, cởi lòng mình ra, chia sẻ với ai đó dễ dàng hơn. Còn, cảm giác khổ sở vì tiền bạc, mang lại cho mình một cảm giác thấp kém, mà không dám hở môi ra với ai, không dám ngửa tay ra vay mượn ai, không dám gặp ai, vì sợ gặp, người ta lại nghĩ, mình cần tiền nên tìm đến.
Không còn gọi là trắng tay, mà là, nám tay, vì số nợ tự dưng phải nhận lãnh, mà còn bị la mắng đủ điều.
Bán chiếc xe, trừ miếng đất được chia phần dưới quê cho bà chị để trả nợ, tôi trở lại con số 0, với một nhận thức khác về nỗi đau tinh thần và nỗi khổ tiền bạc. Tôi nhận ra rằng, muốn làm người tốt cũng thật là khó, vì, không phải hễ có tiền là có thể giúp được con người. Thật ra, cho còn khó hơn là nhận. Vì, cách cho, vô tình, nếu thành trịch thượng, sẽ tạo nên một vết thương âm ỉ nơi người nhận.
Tôi đi Nhật làm việc kiếm tiền cũng chỉ để có thể theo đuổi được ước mơ học Mỹ Thuật. Nhưng toàn bộ số tiền có được, đều không còn. Ngày xưa, khi cho bạn mượn tiền, bạn hứa, bao giờ tôi về, bạn sẽ lo cho tôi ăn học. Nhưng, khi trở về, thấy bạn vẫn còn chật vật với số nợ trên trời rơi xuống từ cái tai nạn con người khó lường, nên, cũng không dám nhắc lại lời hứa.
Với vốn kiến thức về tiếng Nhật, tôi có cơ hội kiếm được nhiều tiền, bởi lúc ấy, tiếng Nhật vẫn còn ít người học. Công ty chuyên về mội giới giới thiệu tuyển xuất khẩu lao động đề nghị tôi làm với mức lương hậu hĩnh, cộng với những khoản phần trăm có được từ những nguồn béo bở khác. Lúc đó, tôi đã suy nghĩ nhiều. Vậy mà, dù mới vừa trải qua cảm giác nhục nhã về tiền bạc, vậy mà, tôi vẫn cự tuyệt cơ hội đó, bởi lẽ, sợ, sự vương vào nó sẽ làm tinht hần của mình u ám mãi. Tôi quyết định, theo Mỹ Thuật, vừa đi làm thêm phiên dịch cho những lần qua tuyển nhân viên, vừa đi học.
Tôi là người ít quan tâm đến mua sắm chi tiêu, những mối quan tâm mà chị em phụ nữ phải tiêu rất nhiều tiền. Quan tâm của tôi lúc đó, chỉ là, đổ thành chất liệu thật những tác phẩm mình ưng ý. Nhưng rồi, không như tôi nghĩ, làm Mỹ Thuật lại càng cần đến nhiều tiền. Trước kia, ngôi nhà mơ ước của tôi bé như hộp diêm, khoảng chừng 4x4m, xây cao lên. Tôi từng nói, ai cảm thấy cô đơn, chỉ cần bước vào nhà tôi, là sẽ mất đi ngay cảm giác đó, bởi lẽ không muốn có thêm sự hiện diện của ai trong một không gian quá chật chội. Nhưng từ khi vào trường, tôi mới thấy cần thiết một không gian rộng rãi, bởi quá đau lòng khi cứ nhìn thấy tác phẩm của mình vứt lăn lóc mỗi nơi. Lâu lâu lại bị kêu đến chở tượng về đỡ chiếm không gian nhà người khác. Đến lúc này, tôi mới thấy, và bắt đầu sự thay đổi nhận thức về tiền bạc. Dẫu không phải là tất cả, nhưng mà, nó có thể giúp ích cho tôi, có thể giúp đỡ người khác khi ái ngại chuyện người đó học giỏi mà không có tiền đóng học phí, có nguy cơ mất học bổng nếu đóng trễ, hoặc ứng ra số tiền cho anh bạn trẻ đi thực tế trên Tây Bắc cùng, bởi với sức vẽ của he, quanh quẩn 1 nơi trong mấy năm là điều đáng tiếc ( mà, cho đến giờ, dù đã bán hơn 10 bức ký họa từ chuyến đi thực tế ấy, trả hết nợ, dư tiền mua sơn dầu, he vẫn còn mấy chục bức vẽ được từ chuyến đi đấy )
Nhận thức về tiền bạc thay đổi, nhưng, tôi vẫn không thể nào bước qua sự tự ái cố hữu khi phải phụ thuộc vào nó. Bình thường, tôi ít khi tự ái với ai nếu chẳng có liên quan gì đến chuyện tiền bạc, nhưng nếu có dính dáng đến nó, tôi trở nên dễ tổn thương một cách bất thường. Chính sự cứng ngắc này, mà, tôi đã bỏ qua nhiều cơ hội khi có ai đề nghị giúp đỡ. Thời trẻ là lời đề nghị giúp đỡ đi du học của một bà người Nhật, sau này là những giúp đỡ cho sự khởi đầu của Himiko. Việc dời địa điểm của Himiko, cũng bởi là do tôi đã không biết dung hòa tính tự ái của mình với việc giữ gìn mối quan hệ với một người từng muốn giúp đỡ mình. Ngay cả việc Himiko vẫn còn lận đận trong việc tồn tại, bởi cái thói sĩ diện điên điên không muốn ngửa tay ra đi xin xỏ ai, ngay cả đó là việc xin tài trợ từ những tổ chức văn hóa lớn.
Bởi vậy, tôi nghĩ nhiều về cụm từ, ngân hàng ân huệ. Bởi, ở nó, không có chữ vay trả trả vay trực tiếp tạo nên những rắc rối về tình cảm tinh thần, cảm giác phải mang ơn, phải ngọt ngào, xoa dịu, vỗ về người giúp đỡ. Tôi vốn dở về những giao tiếp như thế. Cụm từ đó, cho tôi cái cảm giác, là một sự xoay vần, giúp người này, rồi sẽ có người khác giúp mình. Không ràng buộc ân huệ, tránh những gánh nặng tinh thần phải mang hoặc gây ra cho những người khác. Mặc dù, tôi vốn không phải là kẻ giỏi biết tận dụng những cơ hội do "ngân hàng ân huệ" mang lại. Tôi đã từng lúng túng khi có người hứa giúp tôi 6 tháng tiền nhà của Himiko khi động viên tôi nên mạnh dạn lên mà bắt tay vào mô hình này. Vì tôi thật tình không biết cách nhận, dù ngay lúc tôi rất cần. Tôi cũng không dám nhận không sự giúp đỡ của người chủ nhà cũ, dè dặt đề nghị trả một số tiền cho mặt bằng mà trogn sức mình có thể.
Có lần, chị tôi hỏi, tại sao mày giúp bạn nhiều, đến khi túng thiếu, mày không tìm bạn, mà cứ tìm tao? Tôi nói thật, "vì, cảm giác vay mượn là một cảm giác thật khó chịu, cảm thấy mình cứ hèn đi. Nếu vậy thì, đành hạ mình với người trong nhà, dù sao cũng lỡ bị coi thường rồi" ( nhưng, sau đó chị tôi có nói, tao giúp vì thấy mày còn được, vì mày không để ai coi thường mình ).. Đành phải hạ mình trước một người, mà ngẩng đầu lên với nhiều người, vì một mục tiêu tốt đẹp mình nghĩ và theo đuổi ( dù, thực tế, tôi chưa bao giờ mở lời đến 2 lần để thuyết phục hay năn nỉ ai ), và với suy nghĩ, mình sẽ trả lại sòng phẳng khi có cơ hội, và trả lãi vào ngân hàng ân huệ của cuộc đời.

3 comments:

Giang said...

Đọc dễ thương quá. Đừng đổ mồ hôi thế nữa hén.

ĐCĐL said...

Thương,

Đôi khi muốn gần chị nhưng không biết gần bằng cách nào, chỉ biết ngồi im lặng nhìn chị, chỉ biết theo dõi tin tức của chị đâu đó tìm thấy được...

Đôi khi muốn đỡ đần chị nhưng sợ chị ngại và không vui...

Nói em khách sáo cũng được, nói em sến cũng được, hì hì..

Nhưng sẽ vẫn luôn ở đâu đó, xung quanh chị.. :)

Unknown said...

Cái TÔI mà chị nói là đây. M nhận diện được rồi đó. Cố lên để thoát khỏi cái xiềng xít của cái TÔI mà đã ràng buột em để tình yêu của thathanhận được lớn lên và đậm chồi như mấy hột giống em ương.

Interview from 2019

 tự nhiên thấy bài trả lời phỏng vấn hồi 2019. post lại để nhắc mình cần tập trung đừng đi lệch quỹ đạo hơn nữa.  :)  Profile -Name: Himiko ...