Friday 22 September 2006

Trong chăn có rận

Nguyễn Thúy Hằng


-----------------------


 


Đọc Phê bình Mỹ Thuật của Nguyên Hưng, tôi (tư cách: sống trong nghệ thuật; ăn uống hít thở trong nghệ thuật; tuy nhiên, lại không được bài tiết trong nghệ thuật) xin có vài nỗi niềm như sau:


 


Trước tiên, tại sao Mỹ Thuật Việt Nam đang xuống dốc đến vậy?


 


Chúng ta đừng nói về những hoạt động mỹ thuật bên ngoài chi cho sâu xa, cái tôi muốn nói đến là mỹ thuật từ trong trứng nước, nghĩa là ngôi nhà chung cho bao hoạ sĩ từng ngồi mài đũng quần trước khi bước từng bước chân ngơ ngáo cầm tấm bằng nhảy nhổ xin đi làm... designer (Trường Đại Học Mỹ Thuật số 5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, Thành Phố HCM hiện nay duy nhất một khoa có đầy đủ chức năng huấn luyện sinh viên trở thành một designer chính hiệu, đó là khoa Mỹ Thuật Ứng Dụng, mà trong đó một thầy vừa kiêm trưởng khoa vừa chủ nhiệm dạy liên tiếp cho 3 cấp độ khác nhau: năm 3, năm 4, năm 5. Tôi không tin lắm vào khả năng một ngôi trường nghệ thuật lớn nhất và có tiếng trong phía Nam mà một khoa chỉ có một người dạy cho cả 3 năm chuyên sâu. Từ khoa Ứng Dụng này, người ta hay lầm lẫn rằng tất cả sinh viên bước ra từ ngôi trường này đều là hoạ sĩ thiết kế, hoặc nhà thiết kế thời trang: tiện đây cũng xin nói luôn, khoa Ứng Dụng Mỹ thuật trong trường này cũng không hề dạy về môn thiết kế thời trang một buổi nào hết, riêng khoa sơn dầu thì một thầy đảm nhiệm vừa năm 4 lẫn năm 5). Điều đó cũng đủ cho ta thấy một sự mong manh về đội ngũ giảng dạy và chất lượng kèm theo nó. Ở những năm trước đây, việc vẽ theo ý nhà trường đã khó, mà phải vẽ theo đề tài đúng sở thích của mấy thầy lại càng khó hơn. Riêng khoa sơn mài, không ít sinh viên phải lao đao trong những tháng cuối làm bài tốt nghiệp, họ không lo sợ trước tác phẩm sắp trình bày mà lo sợ... ông thầy. Được biết, người thầy này luôn khắt khe với sinh viên từ cách thể hiện, màu sắc, hình hài, bố cục mà còn kiểm soát về đề tài vẽ nữa. Có một sinh viên năm cuối thực tập ở một trường múa vừa tốt nghiệp năm 2001, vẽ và nghiên cứu ròng rã mấy tháng trời, kết quả nhận được là: vẽ sơn mài thì không ai vẽ múa bao giờ cả, vì rất khó thể hiện?! Cuối cùng anh sinh viên ngay phút chót phải thay thế phác thảo tốt nghiệp vẽ múa thành... những người công nhân đóng tàu (phù hợp với công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước hơn)! Chuyện cứ như đùa nhưng thực tế xảy ra rất nhiều trong trường nghệ thuật này. Và điều tôi muốn nói ở đây chính là sự hình thành thúc đẩy phát triển cho nền nghệ thuật từ trong trứng nước, cách giáo dục cổ hủ như thế chỉ làm cho sinh viên nhụt ý chí theo đuổi bằng được đề tài mình thích, làm giảm đi khả năng sáng tạo và chùn chân trước những gì gọi là nền văn hoá truyền thống. Tôi không nghĩ chất liệu sơn mài làm giảm đi sức sáng tạo của một sinh viên. Tại sao chúng ta không thách thức, hoặc khuyến khích sinh viên nên tìm tòi sáng tạo cái mới (đề tài, thể hiện) trong chất liệu truyền thống (lụa, đồ hoạ, sơn mài) mà ngay từ đầu đã phang một đòn “khó thể hiện lắm”? Chính lối suy nghĩ bảo thủ như thế đã khiến cho nhiều thế hệ lẽ ra đến giờ này không việc gì phải cầm tấm bằng đi xin làm designer hoặc tự xếp cọ theo đuổi ngành nghề khác, hoặc bước ra nghề với sự non nớt, rụt rè, thiếu tự tin.


 


Thế nhưng, đi sâu hơn nữa vào đội ngũ giáo viên trong nhà trường mới lại càng ngạc nhiên! Tôi từng là sinh viên trường này, đã nghe đồn đại về thầy trưởng khoa có tay nghề rất yếu (nhưng giỏi lí luận, tất nhiên), thì đến một ngày nọ tôi được học một bài về kẻ chữ. Thầy trưởng khoa sau khi thao thao bất tuyệt về môn học này thì được sinh viên yêu cầu kẻ mẫu lên bảng, và thật hài hước vì thầy không biết kẻ chữ S, khiến cả lớp chúng tôi được dịp xem tận mắt sự yếu kém trong tay nghề của thầy. Người thầy này về sau đảm nhiệm luôn hướng dẫn bài tốt nghiệp cho sinh viên. Và để thể hiện rằng tay nghề và sự hiểu biết của mình có thể đảm bảo chất lượng giảng dạy cho từng người, người thầy này đã nhúng tay vào hàng loạt tranh, riêng bài tốt nghiệp của tôi thầy xoá nhoà đi tất cả, sang ngày hôm sau chấm bài trước Hội đồng trường, nhiều vị đã thắc mắc không biết tôi vẽ cái gì, và chỉ đúng ngay chỗ thầy trưởng khoa nhúng tay vào, nói: yếu quá! Lúc ấy thầy trưởng khoa thay vì làm đúng chức năng là bảo vệ bài cho sinh viên của mình và nói đôi lời nhận xét thì lại im tịt. Tôi không hiểu chúng tôi được rèn luyện trong môi trường như thế nào, mà ngay cả thầy cô cũng không ý thức được về trình độ của mình, kém tự tin và hoàn toàn không có chút gì gọi là kiến thức. Tôi xin nhắc lại, trường Đại Học Mỹ Thuật là ngôi trường phía Nam duy nhất và lớn nhất đào tạo cử nhân mỹ thuật, tất nhiên những người trực tiếp tham gia giảng dạy phải là những nghệ sĩ lâu năm trong nghề. Nhưng nói về triển lãm, tôi nghĩ khó lòng tìm ra ở Sài Gòn hoặc cả Việt Nam một triển lãm của mấy thầy, triển lãm chung đã hiếm chứ đừng nói đến triển lãm cá nhân! Trong mấy năm tôi ngồi ghế nhà trường hầu như không có tác phẩm nào của quí thầy cô làm hài lòng sinh viên, hay nói đúng hơn làm cho sinh viên có cách nhìn khác về người thầy của mình.


 


Còn nói về sự bắt kịp trào lưu hiện đại, những hình thức mới xuất hiện được du nhập vào Việt Nam, những sắp đặt, những biểu diễn, video art... những hội thảo, những cuộc giao lưu tiếp xúc để lại trong mắt những vị khách được mời đến Việt Nam tham dự là một sự ngỡ ngàng vì hầu như không khí và chương trình đào tạo trong ngôi trường này không mảy may nhúc nhích, không làm lay chuyển toà nhà kiên cố này. Chỉ có những sinh viên tự đi tìm tòi và có tính chất đột biến thì may ra! Sau vài năm quay lại trường, tôi dường như thấy lại nền hội hoạ của nhiều thập kỉ trước, vẽ tĩnh vật theo lối cổ điển, hơi lai ấn tượng (sao chép ấn tượng thì đúng hơn) nhưng tuyệt nhiên đừng hòng vẽ theo lối siêu thực hoặc đừng mơ tưởng được sắp đặt tác phẩm của mình trong khuôn viên nhà trường. Các vị thầy vẫn khả kính và lẽo đẽo theo sau thực trạng Mỹ Thuật Việt Nam như lúc trước, vẫn chỉ duy có một thầy làm đảo lộn kiến thức của các thầy còn lại trong Hội đồng nhà trường, bảo vệ và lật ngược cho sinh viên từ tác phẩm không được chấp nhận thành điểm số leo tuốt trời mây. Các cô giáo còn đáng buồn hơn nữa, cứ như người phụ nữ rúc đầu vào xó bếp và sinh ra bầy con (sinh viên) cũng có sở thích chui xuống bếp. Tất cả đều cũ (cũ chứ không phải cổ).


 


Có thể nói, nền Mỹ Thuật Việt Nam hiện nay luôn khó nuốt tất cả loại hình nghệ thuật khác. Nó co cụm lại, không muốn bất cứ một xao động nào lọt vào bầu không khí im lặng chết người này. Nó cũng chẳng muốn phơi bày cái cũ mà bấy lâu nay nó giữ kĩ. Nói tóm lại nội bất xuất, ngoại bất nhập, kéo theo sự đình trệ trong nhiều thế hệ, lối dạy lỗi thời, không phù hợp với sự đi lên, bên ngoài ngôi trường mỹ thuật Việt Nam vốn đang lao đao, bên trong lại còn già nua hơn nữa. Tôi cũng không trách chi những nhà phê bình thời nay hầu như gác kiếm, chỉ lăm lăm vài ba triển lãm để xuất hiện đôi chút, rồi rút vào trong cánh gà ngay. Và tính chất của các nhà phê bình hiện nay là làm vừa lòng đôi bên, chẳng có chút nào gọi là đột phá, lôi kéo những tên nằm nhà đọc báo phải đến xem người ta triển lãm cái gì, vẽ cái gì mà để chửi nhiều thế, khen cái gì mà để thuyết phục thế? Tôi nghĩ, nhiệt huyết và sự chân thật của các nhà phê bình đã mất rồi thì quần chúng không buồn đi xem tranh hoặc đọc bài phê bình cũng phải.


 


Nói tóm lại nền Mỹ Thuật Việt Nam như phim Hàn Quốc dài nhiều tập và cũng có nhiều tình tiết lẽ ra không nên có, chỉ vừa đủ cho người ta thoắt cái rỏ vài dòng thương xót, thoắt cái quay sang cười hề hề. Lẽ ra nên kết thúc sớm hoặc có tình tiết giật gân để lôi cuốn người xem, nhưng không, càng dài càng biết người nào có sức ngồi dai, bám lâu. Vừa ngồi vừa cười cười mếu mếu. Chứ thật ra, kết thúc ra sao người ta biết tỏng hết cả rồi. Nhưng, chúng ta cứ thích chơi trò vờ vịt mãi.


 


17.8.2003


 


 


Lời chú:


 


Tôi viết bài này năm ngoái, trong một lần đọc các bài phê bình cũng như ý kiến về Mỹ Thuật Việt Nam của Nguyên Hưng. Đó là thời gian chính tôi cũng rơi vào trạng thái như bao sinh viên Mỹ Thuật khác, là vắt tay lên trán xem mình nên đi xin việc ở công ty design nào đó hay là vứt phắt cái của nợ họa sĩ này mà lao vào buôn bán mánh mung. Nhưng may thay, hiện giờ tôi không buôn bán mánh mung, cũng không làm designer, tôi chỉ ngồi tưởng tượng. Nay đọc lại, vẫn thấy “nguyên con” thời sự về nền Mỹ Thuật Việt Nam nằm ngay đó, dù một năm đã trôi qua, mà tình hình nền Mỹ Thuật Việt Nam vẫn như thế, vẫn đứng im không chịu nhúc nhích (hay là nó tuột luốt dưới chân dốc rồi, còn đất đâu mà lăn xuống nữa). Để tiện cho quí vị kịp thời theo dòng thời sự, một năm nay trường ĐH Mỹ Thuật TPHCM đang nâng cấp, xây một toà nhà cao tám tầng, nghe đâu sau khi xây xong sẽ xây tiếp một tòa khác, mười hai tầng. Và bộ môn sẽ được phát triển mạnh sau khi toà nhà hoàn tất (cũng là lý do vì sao trường được nâng cấp) là khoa Ứng Dụng Mỹ Thuật. Về những bộ môn thuần túy như lụa, điêu khắc, sơn mài, đồ họa, sơn dầu… thì tôi chưa được biết thêm chi tiết (nếu ai biết rõ xin vui lòng bổ sung để sáng tỏ vấn đề, cám ơn).


 


Ngoài ra, nhân đây tôi cũng xin nhắc đến việc trường ĐH Mỹ Thuật mở thêm một khoa mang tên khoa Sư Phạm Mỹ Thuật năm 1998, cũng hệ cử nhân 4 năm (nhằm tăng thêm số lượng giáo viên dạy vẽ ở các trường từ hệ mẫu giáo cho đến cao đẳng). Vì khoa này mới thành lập nên có rất nhiều thiếu sót trong việc giảng dạy, sắp xếp giáo viên. Đa số giáo viên giỏi không thèm dạy khoa này vì chê... học sinh dở, không phải hội họa chính thống, nên thành ra thiếu giáo viên, có tuyển vài ba họa sĩ ở ngoài trường về dạy, cộng thêm một vài thầy ở khoa khác sang dạy. Sinh viên ở khoa này cũng bị các khoa khác phân biệt. Ngay cả khoa lụa, gồm những sinh viên được coi là vẽ yếu (xét theo điểm phân khoa, sau 2 năm cơ bản nếu ai có điểm tổng kết thấp thì vào khoa lấy điểm thấp nhất, là khoa lụa) cũng chê khoa sư phạm còn bèo hơn mình (khoa lấy điểm cao nhất hiện nay là khoa Ứng Dụng mỹ thuật, ngành thời thượng). Khoa Sư phạm mỹ thuật sau ba năm đầu lục đục về giáo trình giảng dạy và nhân sự thì sang năm thứ 4, tức năm cuối, sinh viên có vẻ vui mừng vì dù sao cũng thoát khỏi cái ách này (hơn phân nửa lớp muốn ra trường mau, chỉ còn vài ba mạng cảm thấy lo sợ vì thực sự kiến thức không đủ để đứng lớp chứ đừng nói chi việc sáng tác). Nhưng, thật oái ăm, sau khi chấm bài tốt nghiệp, sinh viên của khoa này chỉ vinh dự được mặc áo cử nhân để chụp hình làm bằng tốt nghiệp, còn sau đó, mọi thông tin chừng nào được làm lễ tốt nghiệp toàn trường thì ngay cả thầy hiệu trưởng cũng im lặng, mọi chi tiết không được thông báo. Đến ngày làm lễ tốt nghiệp, phát bằng cho tất cả sinh viên ra trường thì khoa Sư phạm mỹ thuật ngậm ngùi đứng ngoài cổng… ngó! Họ không được thông báo chính thức chừng nào được làm lễ, và tại sao họ không được làm lễ chung với tất cả các sinh viên cùng ra trường trong một năm? (Họ đi khiếu nại thì được thầy hiệu trưởng bảo rằng, vì các em là khoa Sư phạm nên phải đi dạy từ hai năm trở lên mới được nhận bằng, lễ tốt nghệp toàn trường chỉ dành cho những khoa được cấp bằng tại chỗ). Họ chẳng nhận được một buổi lễ tượng trưng hoặc một thông báo nào chính thức, tất cả chỉ dừng lại ở chỗ: học hết 4 năm rồi thì phải tự động biến chứ? Sự việc xảy ra năm 2002, đến nay là 2 năm, họ chẳng được đề cập tới cho đến khi họ bước ra cổng trường, rồi tự kiếm việc làm, rồi cho đến nay chẳng biết họ đã trôi về đâu nữa.


Và để kết thúc bài viết này, tôi mong các nhà phê bình xách bút, mang lỗ tai, mang con mắt tới dự buổi chấm thi bài tốt nghiệp của Hội đồng trường ĐH Mỹ Thuật TPHCM được tổ chức hàng năm vào khoảng tháng 5 hoặc 6. Tôi cũng xin nói trước, buổi chấm thi này rất vui nhộn vì các thầy cô được dịp choảng nhau, ai theo phe ai thì biết liền, còn sinh viên thì đứng như trời trồng lắng nghe số điểm cuối cùng với một câu hỏi trong đầu: “Thực ra tranh của mình có mang tính nghệ thuật không”, mà chỉ biết rằng các thầy thích hay không thích, hài lòng hay không hài lòng với nhau, và số điểm cao/ thấp như vậy là do họ thắng/thua với nhau (!?)


 


Bài viết này gửi tới nhà phê bình Nguyên Hưng và tất cả các nhà phê bình mỹ thuật: Khoan hãy xem các gallery làm ăn thế nào, các trường phái hội họa ở Việt Nam hiện nay ra sao, chúng ta có tính đương đại hay không, v.v. và v.v., mà hãy dành chút thời gian ghé vào số 5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, hẳn quí vị sẽ có câu trả lời xác đáng nhất cho những câu hỏi to “tổ bố” của mình. Trong chăn mới biết chăn có rận.


 


Tôi viết bài Trong chăn có rận với dụng ý không muốn chỉ trích và đổ lỗi hoàn toàn cho các nhà phê bình mỹ thuật về sự suy yếu của hệ thống giáo dục mỹ thuật tại Việt Nam. Tôi chỉ muốn kêu gọi các nhà phê bình hướng tới điểm xuất phát nhưng lại rất quan trọng là mỹ thuật từ trong trứng nước, nhằm vào khuôn khổ hệ thống giáo dục mỹ thuật của trường ÐH Mỹ Thuật Việt Nam. Như Nguyên Hưng viết “nó là tình trạng chung cho nền giáo dục Việt Nam ở mọi lãnh vực”. Nhưng hiện tại, những sự thực nằm trên cái “chiếu” trường ÐH Mỹ Thuật này vẫn chưa được ai hân hạnh phô bày, vén một cái “chăn” để người quan tâm đến lĩnh vực mỹ thuật biết thật sự có vô số “rận” bên trong.


 


Ðiểm sơ qua các bài phê bình mỹ thuật trong nước, tôi vẫn chưa thấy ai đề cập đến lĩnh vực này, nó hầu như còn bỏ ngỏ, hay “sự yên tĩnh” về hoạt động trong ngôi trường này đã đạt đến sự tuyệt đối, khiến người ta hầu như lãng quên (hoặc quá “yên tâm” về nó?).


 


Trong mấy năm học, tôi chưa bao giờ thấy nhà trường mời các nhà phê bình đến nói chuyện chuyên đề về phê bình tranh cho sinh viên chứ đừng nói đến mời các hoạ sĩ nước ngoài hoặc trong khu vực đến nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm về kĩ năng sáng tác hoặc thuyết trình thêm về sự đa dạng các trường phái mới trong hội hoạ.


 


Ngoài ra, lỗ hổng lớn nhất và đem lại nhiều thiệt thòi nhất cho sinh viên là sự bảo vệ tác phẩm của họ ở mỗi kì thi cuối năm hoặc kì thi tốt nghiệp. Họ không được chuẩn bị, rèn luyện ý thức về sự chuyên nghiệp của một hoạ sĩ khi đứng trước tác phẩm của mình, tự trình bày, nói lên ý tưởng, cảm xúc vốn có hoặc bảo vệ tác phẩm. (Vì hiện nay, nhiệm vụ của sinh viên trong ngày chấm thi là chỉ cầm micro nói tên họ, tên tác phẩm, nơi sinh viên lấy tư liệu thực tế. Nếu họ nói đôi chút suy nghĩ tại sao mình vẽ đề tài này và cái mình thích trong bức tranh của mình thì lập tức bị các thầy thu hồi micro, không cho giải thích). Nếu thầy chủ nhiệm không lên tiếng bảo vệ bài cho sinh viên thì coi như những gì họ muốn nói lên qua tranh vẽ, sự nghiên cứu và tìm tòi coi như bị phủ nhận. Hầu như việc khen hay chê, việc đánh giá và cảm thụ tác phẩm đều diễn ra từ phía thầy cô, còn người sáng tạo buộc “nép” sau lưng tác phẩm.


 


Ngoài Hội đồng chấm thi gồm những thầy cô dạy trong trường, sinh viên không có một tiếng nói thứ ba (nằm ngoài Hội đồng, nằm ngoài họ) chẳng hạn: nhà phê bình, những người liên quan đến ngành nghề (mặc dù hiên nay chưa có nhà phê bình nào “nhảy” vào “trận chiến” này cả hay đơn giản là họ không được mời tham dự hoặc không muốn tham dự, nhưng dù sao tôi vẫn hy vọng rằng có còn hơn không), để thấy được tính chất nghệ thuật của tác phẩm nhìn từ nhiều phía chứ không đơn thuần là “cây nhà lá vườn”, (tiên tiến hơn là hệ thống giáo dục sinh sản vô tính”: nghĩa là thầy bắt học trò làm đúng ý mình, khống chế từ cách thể hiện cho đến đề tài, còn không thì chắc chắn bị điểm kém hoặc phê bình trước toàn Hội đồng chấm thi là sinh viên không theo sát ý giáo viên?!).


Sở dĩ tôi nêu lên những khúc mắc của kì thi tốt nghiệp tại ngôi trường này vì sau những lần chấm thi, hầu như sinh viên từ năm đầu lẫn năm cuối đều rơi vào tình trạng hoang mang, do dự trước cách đánh giá giá trị nghệ thuật của thầy cô. Và tệ hại hơn là phần đông sinh viên còn lại trong trường đều biết rõ cái gì là họ không được làm, những đề tài gì bị cấm kị, và lối vẽ nào là không nên vẽ chứ không phải được đẩy mạnh sáng tạo. Ðiều cuối cùng còn lại là: chẳng thà họ sao chép đề tài, cách thể hiện những bài được điểm cao còn hơn là vẽ theo cái họ thích. Vì thế, việc có mặt của người bên ngoài trường, một tiếng nói có giá trị thẩm định mỹ thuật là cơ hộì duy nhất để sinh viên thoát khỏi cảnh luôn bị nghe ý kiến thầy cô một cách áp đặt. Nói tóm lại sinh viên luôn bị bưng bít về cách nhìn, một mặt không tin tưởng vào trình độ thẩm định giá trị nghệ thuật của thầy cô, một mặt họ cần nhận nhiều cách nhìn rộng rãi, đa diện và mang tính chuyên nghiệp hơn.


 


Tôi nghĩ sinh viên không ngại nhìn vào mặt yếu của mình, họ chỉ sợ phải đi theo một con đường mà ngay khởi đầu cũng như kết thúc, chẳng có gì sáng sủa hơn.


 


Ðể kết thúc bài viết, vấn đề ở đây tôi đặt ra là: các hoạ sĩ đã thành danh hoặc có tác phẩm bên ngoài thì đã có công chúng và các nhà phê bình đánh giá, nhưng chúng tôi, những sinh viên còn ngồi trong ghế nhà trường, chúng tôi sẽ được ai (hoặc số đông tầng lớp nào) cung cấp một nhận định khách quan ngay khi sự tin tưởng về nền giáo dục mỹ thuật tại nơi chúng tôi học đã bị đánh mất?


 


Ngày 2 tháng 8 năm 2004


 

No comments:

Dư vị nhân gian

  Mấy nay trên Newfeed Facebook lần lượt hiện ra những bài reviews của mọi người trong về MUÔN VỊ NHÂN GIAN, bộ phim của Trần Anh Hùng đoạt...